Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Đại gia trả giá vì quản trị DN be bét

Ngay cả những DN lớn của những doanh nhân nổi tiếng thì tình hình quản trị công ty đều ở mức rất thấp. Tình trạng coi thường quản trị, coi thường rủi ro, coi thường cổ đông… khiến các DN phải trả giá đau đớn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lại sa sút và kém dẫn trong nhiều năm qua.

Đánh giá thực trạng quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng thẳng thắn thừa nhận sự yếu kém.

Theo người đứng đầu cơ quản quản lý TTCK này, việc công bố thông tin của các DN niêm yết còn rất yếu. Những văn bản quan trọng như Nghị quyết Đại hội cổ đông, biên bản HĐQT… được các doanh nghiệp công bố rất chậm. Trong khi những thông tin không quan trọng lại công bố rất nhanh.


Theo đánh giá của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), điểm số quản trị trung bình của 100 công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất trên 2 sàn năm 2011 giảm khá mạnh so với năm trước đó và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong mạnh trong đợt đánh giá trong năm tới cho dù tình hình quản trị công ty của các doanh nghiệp trên TTCK đã ở mức rất thấp so với khu vực.


Kết quả đánh giá của dự án đưa ra hôm 22/11 cho thấy, điểm số chung tình hình quản trị công ty tại Việt Nam năm 2011 chỉ còn 42,5% (trên thang điểm 100%), thấp hơn mức 44,7% trong năm 2010, và tiếp tục cách rất xa mức trên 70% mà Thái Lan và Phillipines đạt được từ cách đây 5-6 năm.


Theo bà Anne Molyneux, tư vấn của IFC, nếu như đánh giá theo như cách chấm điểm ở trường đại học, thì mức điểm nói trên là “trượt” và “chưa đủ”.


Nếu tính trường hợp thấp nhất (trong số 100 DN được lựa chọn) thì điểm còn tệ hại hơn nhiều, chỉ vỏn vẹn 17,4%.


Trong 5 khía cạnh đánh giá, điểm cho tiêu chí vai trò của các bên có quyền lợi liên quan thấp nhất với chỉ 22,7% (trên thang 100%). Đó là mức trung bình, còn điểm thấp nhất cho tiêu chí này, có doanh nghiệp chỉ đạt 6,3%.


Tiêu chí trách nhiệm của HĐQT cũng rất thấp, chỉ đạt 35,9%. Đây là một tiêu chí rất quan trọng, và theo thông lệ ở nhiều nước, nó chiếm trọng số cao hơn rất nhiều so với tại Việt
Nam, với khoảng 40% ảnh hưởng.

Ngành tài chính (theo sắp xếp của IFC bao gồm ngân hàng, BĐS, dịch vụ tài chính khác) vốn nổi tiếng với các quy định quản trị nghiêm ngặt cũng có một kết quả đáng buồn là 43%. Trong đó, có ngân hàng điểm quản trị chỉ được có 27,1% - một con số mà theo bà Phạm Liên Anh, cán bộ trường trình, là một mức quá kém.


Trên thực tế, kết quả “đi xuống” của các điểm số chung, điểm số của các doanh nghiệp lớn, của các ngành… một phần do tình trạng quản trị của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, một phần do nhiều sai phạm về quản trị được phát hiện và xử phạt trong năm qua… đã khiến đánh giá phản ánh được đúng hơn thực trạng quản trị của các DN niêm yết.


Quản trị yếu kém là do rất nhiều vấn đề, trong đó có việc thiếu giám sát tài chính và thiếu cam kết của HĐQT. Giao dịch của các thành viên HĐQT, cũng như những người, những công ty có liên quan chưa được minh bạch. Trong các công ty gia đình, công ty có vốn Nhà nước, thì giao dịch của các bên liên quan là rất quan trọng nhưng thông tin chưa đến được với các nhà đầu tư kịp thời.


Bên cạnh đó, còn là vấn đề sở hữu chéo, HĐQT không đóng đủ, thậm chí không hiểu rõ vai trò của mình; hoạt động kế toán kém, kể cả gian dối; tình trạng cắt giảm chi phí (trong đó có chi phí quản trị) trong thời buổi khó khăn.


Với những sai phạm và những vụ việc xảy ra đối với Ngân hàng ACB, Ngân hàng Sacombank… trong thời gian vừa qua, một số chuyên gia cho rằng, điểm số quản trị trung bình năm 2012 được dự báo sẽ tiếp tục giảm cho dù đã ở mức rất thấp so với khu vực. Các sự kiện tại ACB, STB… sẽ được tính vào kỳ chấm điểm tới và các yêu cầu chấm điểm đối với các doanh nghiệp sẽ cao hơn.


Việc công bố các điểm số thấp có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK vốn đang rất ảm đạm. Các nhà đầu tư có thể sẽ xa lánh các doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết để cho thị trường phát triển bền vững về dài hạn.


Theo Vef.vn

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Haprosimex: Thua lỗ trầm trọng, lãnh đạo vẫn…vô can


(Thanh tra)- Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội được thành lập năm 1993, đến năm 2010 được chuyển thành Công ty TNHH một thành viên Haprosimex (Cty Haprosimex) hoạt động theo mô hình 1 Cty mẹ có 7 Cty con và 2 Cty liên doanh với trên 600 lao động, vốn chủ sở hữu gần 149 tỷ đồng, kinh doanh trên 32 loại ngành nghề. Sau gần 20 năm hoạt động, Haprosimex chẳng những cụt vốn mà số nợ ngân hàng lên gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu.

Không xử lý trách nhiệm của người đứng đầu

Qua kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp, Nhà máy Nước Nguyên Khê, Xí nghiệp Mũ xuất khẩu và một số hoạt động sản xuất kinh doanh khác cho thấy, Cty Haprosimex đã dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư trung, dài hạn. Vốn kinh doanh không có. Mọi hoạt động kinh doanh của Văn phòng Cty, Xí nghiệp Mũ xuất khẩu, Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp chủ yếu là vốn vay của các tổ chức tín dụng và vốn chiếm dụng của các đơn vị khác, dẫn đến hoạt động của Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp hiệu quả thấp, công suất đạt 20 - 25%, nhiều loại tài sản không đưa vào sử dụng.

Từ năm 2007 đến tháng 11/2010, Cty Haprosimex lỗ trên 121 tỷ đồng, dư nợ các tổ chức tín dụng trên 541 tỷ đồng không có khả năng thanh toán. Tình hình tài chính hết sức báo động. Hậu quả đó đã được Thanh tra TP Hà Nội xác nhận.

Tổng Giám đốc Haprosimex Nguyễn Cự Tẩm cho biết, ông phải kiêm nhiệm luôn vị trí Giám đốc Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp để trực tiếp đôn đốc chỉ đạo kinh doanh. Từ năm 2011 đến nay, Cty đã giảm 50% số lỗ so với năm 2010. Hiện Haprosimex còn nợ ngân hàng 350 tỷ đồng.

Cty Haprosimex được TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư 2 dự án (D.A) lớn: D.A tổ hợp công trình nhà ở, căn hộ cao cấp và văn phòng làm việc tại 88 Láng Hạ, Hà Nội trên diện tích 8.219,3m 2 đất và D.A tại 9A/233 Xuân Thủy, Hà Nội trên diện tích 6.465m2. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do không đủ năng lực về tài chính và năng lực về quản lý xây dựng D.A nên Cty đã thực hiện bằng hình thức hợp đồng, hợp tác kinh doanh với các đối tác: Cty TNHH Hanotex và Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng Lâm Viên (Lavico) trực tiếp thực hiện đầu tư xây dựng theo hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất và quyền thuê đất hiện có để được hưởng lợi 20 tỷ đồng của 2 D.A nói trên.



Theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, thực chất Cty Haprosimex đã chuyển nhượng D.A ngay từ khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Việc chuyển nhượng này vi phạm các quy định của pháp luật tại Thông tư số 13/2008/TT-BXD ngày 21/5/2008 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thi hành Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ quy định về việc chuyển nhượng bất động sản và vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc chuyển nhượng 2 D.A nói trên đã được TP Hà Nội chấp thuận cho chuyển đổi chủ đầu tư từ Cty Haprosimex sang Cty Lavico và Cty TNHH Hanotex.

Từ năm 2011 đến nay, Thanh tra TP Hà Nội đã thực hiện 2 cuộc thanh tra tại Cty Haprosimex, xem xét toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý nhà đất và xác định giá trị chuyển nhượng 2 D.A nói trên. Qua đó, kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Cty Haprosimex tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với tập thể và cá nhân có liên quan trực tiếp các vi phạm dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài cũng như việc chuyển nhượng trái pháp luật 2 D.A.

Thế nhưng, cho đến thời điểm này, chưa một ai trong ban lãnh đạo của Cty Haprosimex bị kỷ luật. Điều không bình thường này đã gây bất bình trong quần chúng cán bộ Cty.

Bán cả nhà máy mới trả hết nợ

Sự đổ bể của Cty Haprosimex khó cứu vãn bởi số nợ lớn hơn nhiều số vốn tự có. Việc xây dựng D.A Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp, Nhà máy Nước Nguyên Khê, Cty đã báo cáo UBND TP xin khoanh nợ, giãn nợ và đề nghị bổ sung vốn kinh doanh nhưng không được chấp thuận. Cty Haprosimex tiếp tục xin UBND TP được thoái vốn 33 tỷ đồng tại liên doanh Cty TNHH Haprosimex - Moca và xin phép Sở Tài chính Hà Nội phối hợp với các ngân hàng để gọi vốn đầu tư vào Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp. Nếu bán toàn bộ nhà máy thì các khoản nợ ngân hàng sẽ được trả hết.

Để củng cố lại bộ máy điều hành kém hiệu quả lâu nay, Cty đề nghị UBND TP Hà Nội ra quyết định nghỉ hưu đối với ông Vũ Tuấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cty đã được UBND TP Hà Nội cho phép nghỉ quản lý điều hành từ đầu năm 2012. Đồng thời, đề nghị UBND TP xem xét ông Nguyễn Minh Tuấn thôi giữ chức Phó Tổng Giám đốc để chuyển công tác khác. Cty Haprosimex đề nghị Sở Nội vụ Hà Nội bổ nhiệm bà Lê Tuyết Mai, Chủ tịch Công đoàn Haprosimex, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH Haprosimex - Moca làm thành viên Hội đồng Thành viên; đề nghị bổ nhiệm lại ông Vũ Văn Hải, Giám đốc Chi nhánh Haprosimex Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Cty; bà Trần Thị Thanh Hường, Trưởng phòng Kế toán Thống kê Haprosimex vào vị trí Kế toán trưởng Cty.

Những đề nghị về cải tổ nhân sự trên đây chưa được UBND TP Hà Nội xem xét. Hiện tại, trong nội bộ Cty hết sức bất bình khi những người đứng đầu cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về hoạt động quản lý đầu tư, kinh doanh cụt vốn, thua lỗ triền miên, nhưng chưa bị xử lý. Thiệt hại đó ai sẽ chịu trách nhiệm? Câu hỏi này xin gửi tới UBND TP Hà Nội.

Thế Lữ

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Lời nói suông không lọt được tai dân !

(Dân trí) - Lời nói không đi đôi với việc làm không có cơ hội để tồn tại. Hãy hành động và tạo ra giá trị. Người làm lãnh đạo ở mọi vị trí xã hội chỉ thực sự có giá trị khi chính họ tạo ra được giá trị cho đất nước.
 (Đại biểu Dương Trung Quốc)
 (Đại biểu Dương Trung Quốc)

Người dân quan tâm theo dõi kỳ họp của Quốc hội, đặc biệt là những phiên chất vấn, chứng tỏ chất lượng của dân trí và nhận thức về dân chủ ngày càng cao. Không khí chính trị của đất nước thực sự lành mạnh một khi có sự tham gia một cách tự giác và tự do của dân chúng. Sự tham gia đó được thể hiện bằng cách thông qua đại diện của dân trước nghị trường và đặc biệt là ý kiến đóng góp, phản biện của dân thông qua dư luận, báo chí.

Đại biểu Dương Trung Quốc đặt ra một vấn đề dân rất ưng bụng, đó là các vị lãnh đạo ở mọi vị trí xã hội đừng nói lời xin lỗi nữa, mà hãy có hành động cụ thể hơn, hãy từ chức nếu như làm không được việc. Quá đúng, từ trước đến nay, lời xin lỗi được đưa ra rất nhiều, có khi bị lạm dụng. Ban đầu dân còn chia sẻ, nhưng nghe hoài cũng nhàm tai. Lời xin lỗi của các vị phải đi liền với sửa đổi, phục vụ nhân dân tốt hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội, tạo ra thành quả cho đất nước. Nếu không thì lời xin lỗi của các vị chẳng có ý nghĩa gì.

Dư luận đánh giá cao phát biểu chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc. Vấn đề ông Quốc đặt ra nghiêm túc, đúng tâm tư nguyện vọng của dân. Sự quyết liệt đoạn tuyệt với lời xin lỗi là để hướng đến hành động và trách nhiệm trước pháp luật. Những người đang giữ các cương vị lãnh đạo trong hệ thống chính quyền chắc chắn chia sẻ được với điều mà vị đại biểu này đặt ra, để sắp tới, sẽ không còn những lời xin lỗi chung chung. Dân chúng đón nhận một luồng sinh khí mới từ bộ máy công quyền, đó là chỉ có những con người sẵn sàng hành động và dám chịu trách nhiệm.

Lịch sử ghi lại nhiều vị quan cởi ấn từ quan, Chu Văn An, Nguyễn Trãi là những bậc hiền tài có nhân cách như vậy. Dâng “Thất trảm sớ” can vua chém đầu nịnh thần không được là từ quan, tự thấy mình không đủ sức gánh vác việc nước là từ quan. Với những con người này, làm quan là trọng trách, là hy sinh, không phải vì danh lợi. Là nhà sử học, đại biểu Dương Trung Quốc đưa dẫn chứng: “Đảng ta từng có một vị Tổng bí thư, người có công lớn trong Cách mạng Tháng 8-1945, sau khi nhận trách nhiệm chính trị về những sai lầm trong Cải cách ruộng đất 1956 đã từ chức và tiếp tục phấn đấu để rồi ba thập kỷ sau trở lại với cương vị Tổng bí thư, kịp góp phần khởi động công cuộc Đổi mới trước khi từ trần”. Những nhân cách lớn đó là những tấm gương sáng cho hôm nay.

Tiếc rằng, trên thực tế vẫn diễn ra “văn hóa chạy chức” nhiều hơn văn hóa từ chức. Nhiều diễn đàn, hội thảo nêu tệ nạn này nhưng chưa hạn chế được. Đặt vấn đề về văn hóa từ chức của các vị cán bộ có chức quyền lúc này tuy muộn mằn nhưng còn hơn không, bởi vì lời nói suông không lọt được tai dân. Với thời đại thông tin ngày nay, con người dễ dàng xác định chân giá trị của cuộc sống. Mọi lời nói không đi đôi với việc làm không có cơ hội để tồn tại. Cho nên, hãy hành động và tạo ra giá trị. Những người có chức quyền chỉ thực sự có giá trị khi chính họ tạo ra được giá trị cho đất nước. Chí ít, hành động từ chức cũng là một giá trị.

Lê Chân Nhân

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Chỉ cần xin lỗi là thoát tội

Bongbvth - Hàng loạt sự kiện gần đây cho thấy, ở Việt Nam có những lời “xin lỗi” đáng giá “tỉ vàng triệu ngọc”. Đó là lời xin lỗi phát ra từ "môi lưỡi đầy quyền lực” của các quan chức, các vị lãnh đạo. Có những vụ việc đã rõ “thanh thiên bạch nhật”, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho quốc gia, gây nên thiệt hại nặng nề cho cả nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng lớn đến uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhưng chỉ cần đằng hắng, dụi mắt, liếm môi cố nói ra hai từ “xin-lỗi”, thế là coi như mọi sự được nhanh chóng lướt qua, đủ giấy thông hành như lệnh bài vua ban ngày xưa  để được vô can, ra cửa có thể cười tự tin như mới thoát chết đuối vớ được tàu cánh ngầm loại tốc lực lớn siêu hạng rước đi. 

Hôm qua, 8-11, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, Gs. Đặng Hùng Võ, tình huống đã đến mức buộc phải vạch râu, nhếch mép nói với bà con Văn Giang hai từ “xin-lỗi”. Làm lãnh đạo sướng ở chỗ đó. Đối với họ, từ hiến pháp cho đến pháp luật, rồi cả cái mớ dưới luật như nghị định, thông tư, chỉ thị…chỉ cần hai chữ “xin-lỗi” mà thôi. 

Thảo nào, người ta cứ ráng sức, ráng công, ráng tiền, ráng quỳ lụy, chạy chọt, đủ mọi thứ ráng…miễn là được làm lãnh đạo. Cứ làm bừa, làm liều, làm ẩu, lách luật, bơ pháp luật đi, gây ra những cảnh dân tình đói khổ, kêu oan gọi khốc, đánh nhau rối loạn, chết chóc, nhưng khi cần chỉ lựa lúc lựa chiều đưa cái thứ “hiến-luật pháp” ngắn gọn, loại “bìa X”  chỉ có hai từ “xin-lỗi”, thế là xong, ngon ơ, tỉnh bơ, tiếp tục “giương cao ngọn cờ”...

Người ta cũng nói nhiều đến “lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng chỗ hở của pháp luật, lợi dụng lòng tốt…”. Thế nên, lợi dụng lòng tốt của nhân dân, lòng vị tha, dễ cho qua, không đánh “kẻ chạy lại”, các vị quan quyền của ta được nương nhờ vào lòng tốt ấy của người dân Việt, nên được thể làm liều. Vậy mà nhiều kẻ không thấu hiểu điều đó, khỏi vòng cong đuôi, qua cầu rút ván, hết nạn lại "lấy tiểu nhân đáp lại lòng nhân", lo trả thù.

Dân ta vốn hiền lành chất phác, giàu dức hy sinh, giàu lòng vị tha vậy, sao mà các vị quan tham, các đại gia còn chứa trọng bụng đầy chất lưu manh lừa đảo lại nỡ đi cướp đất của dân, lại nỡ bắt bớ, đánh đập, trấn áp với  nhân dân để họ ngán sợ phải ngậm miệng chịu mất đất mất nhà, để rồi hí hửng "sạch sành sanh vét cho đầy túi tham?".  Chỉ cần xin lỗi dân là thoát tội, lại còn được vỗ tay, lại đỡ tốn dung lượng, trang in của báo mạng, báo viết, thời lượng phát sóng, thế mà nhiều vị còn ngã giá kia đấy, không dễ dàng nói lời xin lỗi đâu, ấm ớ chờ dịp nếu đến mức thấy quá cần thiết mới tung chiêu "xin lỗi". Lời xin lỗi của các "quan phạm" quả là quý báu biết bao (?!).

(BVB)

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Doanh nghiệp chết vì 'nền kinh tế 1 đôla'

Một đôi giày hiệu có giá bán cỡ vài triệu nhưng thật ra giá gia công tại Việt Nam chỉ khoảng 1 đôla. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế tạo ra giá trị gia tăng cực thấp. Thế mà các doanh nghiệp gia công ở Việt Nam đã mừng rơn rồi vì có đơn hàng để có việc làm cho công nhân. Trong khi đó khâu thiết kế sản phẩm, sáng tạo mẫu mã, thương hiệu thì các hãng nước ngoài đã lấy hết lợi nhuận.

Doanh nghiệp chưa bao giờ chết nhiều như 2 năm qua

Nhiều đại gia giàu sụ trong nước chủ yếu dựa trên khai thác tài nguyên đất đai, thiên nhiên khoáng sản, lấy nguyên liệu thô xuất khẩu đến cạn kiệt nhanh chóng hết dành cho thế hệ con cháu mai sau. Nhiều doanh nghiệp chết vì nợ nần do chạy theo những giá trị ảo và không gượng dậy được khi bong bóng xì hơi.

Buồn hơn là những khâu gia công các mặt hàng công nghệ cao như điện tử cao cấp gia dụng, điện toán đã chuyển dịch hết ra các quốc gia khác như Trung Quốc và gần đây nhất là Indonesia, và sắp tới có thể là Myanmar.
 
Về lĩnh vực phần mềm chất xám đúng nghĩa thì Việt Nam cũng loay hoay gia công cho người ta từng module, là những mảng đòi hỏi tính tỉ mỉ, tốn thời gian nhiều và nhân lực số đông. Còn khâu sáng tạo, tận dụng đầu óc, trí thông minh thì chưa tạo ra nhiều sản phẩm nội địa cho Việt Nam.

Thập niên 90, chiếc xe máy Dream Thái đã thống lĩnh trong tâm trí người tiêu dùng Việt vì nó hiện đại, đẹp. Và giờ đây Thái Lan đã vươn lên thêm đỉnh cao mới cao hơn, trong khi công nghiệp ôtô của VN đang lao đao. Mua một ô tô nhập khẩu từ Thái Lan đảm bảo là hơn hẳn xe nội địa về chất lượng, độ bền, tin cậy cao.

Văn hóa kinh doanh, văn minh doanh nghiệp của Việt Nam cũng chưa được đề cao. Luật thương mại chưa được tôn trọng trong làm ăn, chỉ theo cách nghĩ chủ quan kiểu cũ, quen biết bao biện cho nhau, để rồi mất hết cả niềm tin của khách hàng, đối tác...

Khi nào các doanh nghiệp đại gia trong nước tiến tới cạnh tranh được với thị trường khu vực gần gần như Asian? Cạnh tranh được với Thái Lan sát nách thôi thì cũng đủ mừng rồi. Nhưng cái này chắc là phải chờ đến vài chục năm nữa với kế sách đột phá dữ dằn mới mong hi vọng.

Theo Nguyen Tran (VNE)

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

“Quản trị tốt còn xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam”

“Quản trị doanh nghiệp tốt còn xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam. Văn hóa ngại minh bạch dẫn đến tâm lý che đậy, không muốn chia sẻ ra bên ngoài xuất phát từ thực tế công khai thông tin chưa thu được lợi ích gì mà thậm chí lại còn gặp rủi ro” - đó là nhận định của ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương tại Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị” do Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức ngày 1/11, tại Hà Nội.

Quyền lực "ba trong một"


Theo thông tư 121/2012/TT-BTC quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị cần đảm bảo sự cân đối giữa các thành viên kiêm điều hành và các thành viên không điều hành, trong đó tối thiểu một phần ba (1/3) tổng số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên không điều hành.


Theo bà Anne Molyneux - chuyên gia tư vấn đến từ IFC, chức năng của thành viên Hội đồng quản trị độc lập là tạo ra sự đối trọng với các cổ đông lớn trong Hội đồng quản trị đồng thời mang đến một góc nhìn từ bên ngoài về chiến lược, kiểm soát và khách quan trong việc "lắng nghe" những ý kiến của ban lãnh đạo công ty...


Tuy nhiên, trên thực tế để tìm kiếm thành viên Hội đồng quản trị độc lập để đảm bảo cho những yêu cầu đặt ra lại không dễ dàng.


Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, tính độc lập lại phụ thuộc vào tư duy, đạo đức và hành xử độc lập mỗi cá nhân. Theo vị chuyên gia này, tình trạng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay để kiểm soát được tính độc lập là rất khó, bởi cổ đông nhỏ thường “bị đẩy ra rìa”, quyền lực tập trung vào cổ đông lớn theo hình thức "ba trong một," nghĩa là cổ đông lớn vừa tự bầu mình vào Hội đồng quản trị và Ban giám đốc.


“Ban kiểm soát lại do nhóm cổ đông lớn chỉ định và thường là cấp dưới nên không thể hiện được tính độc lập, mang tính hình thức mà thôi. Địa vị của các Ban kiểm soát luôn bị xem nhẹ và phần lớn là không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhiều nơi, kiểm soát viên trở thành người ‘đóng dấu’ cho Hội đồng cổ đông trong các trường hợp cần thiết ” ông Cung nói.


Theo ý kiến của các chuyên gia, một doanh nghiệp quản trị tốt là phải công khai, minh bạch, thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình đồng thời chuyên nghiệp và độc lập.


Song nhiều thập kỷ nay, môi trường kinh doanh bên ngoài xã hội lại chưa ủng hộ và khuyến khích công khai minh bạch, theo đó doanh nghiệp cũng chưa nhận thấy những lợi ích cũng như chưa có sự đảm bảo công bằng từ sự minh bạch.


“Thật thà thì thua thiệt, đó là triết lý được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Đây cũng chính là nhân tố cản trở hiệu quả trong quản trị công ty tại Việt Nam,” ông Cung nhấn mạnh.


Cần cơ chế đánh giá và giám sát


Theo các chuyên gia, những sự kiện bê bối gần đây xảy ra ở Tập đoàn Vinashin, Tập đoàn Vinalines hay những sai phạm của ông Nguyễn Đức Kiên và các cộng sự trong lĩnh vực ngân là những biểu hiện thất bại về quản trị công ty, tạo ra sự méo mó về phân bổ nguồn lực và làm đảo lộn hệ thống giá trị trong xã hội.


Ông Warapatr Todhannakasem, chuyên gia kinh tế đến từ Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan cho biết, quốc gia này đã phải trả một bài học đắt giá về sự lỏng lẻo trong quản trị công ty bằng cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.


“Một thời gian dài, tại các cuộc họp Hội đồng quản trị định kỳ hàng năm, đầu giờ các thành viên tham dự tiệc trà và trao đổi các câu chuyện xã hội, sau đó nghe Ban điều hành báo cáo khoảng 30 phút. Cuối cùng, kết thúc là cuộc trao đổi là những bữa tiệc ngoài nhà hàng và các thành viên ra về thì được nhận cổ phiếu thưởng… cuộc sống vương giả đó giờ đây đã không còn,” Ông Warapatr nói.


Thế nhưng, từ sau năm 1997 Thái Lan đã xây dựng nhiều đạo luật hà khắc và chặt chẽ với những biện pháp trừng phạt và yêu cầu trách nhiệm từ các Hội đồng quản trị. Ban kiểm toán và Ban lương thưởng được lập ra, với các thành viên là những người được tuyển dụng độc lập. Nhờ đó, tình hình quản trị của các doanh nghiệp đã được cải thiện.


Từ ví dụ cụ thể trên, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã lớn lên về lượng thì sẽ phải thay đổi về chất, nếu không sẽ không thể cạnh tranh và phát triển được. "Đã đến lúc phải thay đổi, thiết lập một nền móng vững chắc cho quản trị công ty theo thông lệ và trước hết phải xuất phát từ hệ thống doanh nghiệp nhà nước," một chuyên gia nhấn mạnh.


Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra, hệ thống luật của Việt Nam hiện vẫn chưa có chế tài xử phạt các công ty đại chúng không thực hiện quy định về cơ cấu thành viên độc lập trong hội đồng quản trị, cũng như các giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy Ban kiểm soát thực hiện đúng chức năng và nghĩa vụ của nó.


Vì vậy, ông David Robinett - chuyên gia cao cấp về quản trị doanh nghiệp tại Ngân hàng Thế giới cho rằng, để có một cơ chế quản trị hiệu quả thì song hành với nó phải là việc đánh giá Hội đồng quản trị. Hiện nay trên thế giới áp dụng các loại hình đánh giá bao gồm, tự đánh giá, đánh giá có sự trợ giúp của chuyên gia, đánh giá chung Hội đồng quản trị và đánh giá từng thành viên Hội đồng quản trị.


Bên cạnh đó, ông Cung cũng cho biết, tới đây khi đề xuất Luật Doanh nghiệp sửa đổi, cơ quan này dự kiến cũng sẽ trình về việc tăng tính chuyên trách, tăng thể chế nhằm đảm bảo vai trò của Hội đồng quản trị.


"Với sự lu mờ của Ban kiểm soát như hiện nay, tới đây nếu Hội đồng quản trị đã có thành viên độc lập thì không cần duy trì Ban kiểm soát nữa và tổ chức nó trở thành cấp dưới của Hội đồng quản trị, như vậy sẽ tăng cường vai trò của thành viên Hội đồng quản trị độc lập và thành viên Hội đồng quản trị không điều hành,” ông Cung nói./.


Linh Chi (Vietnam+)