(Thanh tra)- Công ty Sản xuất - Xuất nhập
khẩu tổng hợp Hà Nội được thành lập năm 1993, đến năm 2010 được chuyển
thành Công ty TNHH một thành viên Haprosimex (Cty Haprosimex) hoạt động
theo mô hình 1 Cty mẹ có 7 Cty con và 2 Cty liên doanh với trên 600 lao
động, vốn chủ sở hữu gần 149 tỷ đồng, kinh doanh trên 32 loại ngành
nghề. Sau gần 20 năm hoạt động, Haprosimex chẳng những cụt vốn mà số nợ
ngân hàng lên gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu.
Không xử lý trách nhiệm của người đứng đầu
Qua kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp, Nhà máy Nước Nguyên Khê, Xí nghiệp Mũ xuất khẩu và một số hoạt động sản xuất kinh doanh khác cho thấy, Cty Haprosimex đã dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư trung, dài hạn. Vốn kinh doanh không có. Mọi hoạt động kinh doanh của Văn phòng Cty, Xí nghiệp Mũ xuất khẩu, Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp chủ yếu là vốn vay của các tổ chức tín dụng và vốn chiếm dụng của các đơn vị khác, dẫn đến hoạt động của Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp hiệu quả thấp, công suất đạt 20 - 25%, nhiều loại tài sản không đưa vào sử dụng. Từ năm 2007 đến tháng 11/2010, Cty Haprosimex lỗ trên 121 tỷ đồng, dư nợ các tổ chức tín dụng trên 541 tỷ đồng không có khả năng thanh toán. Tình hình tài chính hết sức báo động. Hậu quả đó đã được Thanh tra TP Hà Nội xác nhận. Tổng Giám đốc Haprosimex Nguyễn Cự Tẩm cho biết, ông phải kiêm nhiệm luôn vị trí Giám đốc Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp để trực tiếp đôn đốc chỉ đạo kinh doanh. Từ năm 2011 đến nay, Cty đã giảm 50% số lỗ so với năm 2010. Hiện Haprosimex còn nợ ngân hàng 350 tỷ đồng. Cty Haprosimex được TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư 2 dự án (D.A) lớn: D.A tổ hợp công trình nhà ở, căn hộ cao cấp và văn phòng làm việc tại 88 Láng Hạ, Hà Nội trên diện tích 8.219,3m 2 đất và D.A tại 9A/233 Xuân Thủy, Hà Nội trên diện tích 6.465m2. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do không đủ năng lực về tài chính và năng lực về quản lý xây dựng D.A nên Cty đã thực hiện bằng hình thức hợp đồng, hợp tác kinh doanh với các đối tác: Cty TNHH Hanotex và Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng Lâm Viên (Lavico) trực tiếp thực hiện đầu tư xây dựng theo hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất và quyền thuê đất hiện có để được hưởng lợi 20 tỷ đồng của 2 D.A nói trên. Theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, thực chất Cty Haprosimex đã chuyển nhượng D.A ngay từ khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Việc chuyển nhượng này vi phạm các quy định của pháp luật tại Thông tư số 13/2008/TT-BXD ngày 21/5/2008 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thi hành Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ quy định về việc chuyển nhượng bất động sản và vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc chuyển nhượng 2 D.A nói trên đã được TP Hà Nội chấp thuận cho chuyển đổi chủ đầu tư từ Cty Haprosimex sang Cty Lavico và Cty TNHH Hanotex. Từ năm 2011 đến nay, Thanh tra TP Hà Nội đã thực hiện 2 cuộc thanh tra tại Cty Haprosimex, xem xét toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý nhà đất và xác định giá trị chuyển nhượng 2 D.A nói trên. Qua đó, kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Cty Haprosimex tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với tập thể và cá nhân có liên quan trực tiếp các vi phạm dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài cũng như việc chuyển nhượng trái pháp luật 2 D.A. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, chưa một ai trong ban lãnh đạo của Cty Haprosimex bị kỷ luật. Điều không bình thường này đã gây bất bình trong quần chúng cán bộ Cty. Bán cả nhà máy mới trả hết nợ Sự đổ bể của Cty Haprosimex khó cứu vãn bởi số nợ lớn hơn nhiều số vốn tự có. Việc xây dựng D.A Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp, Nhà máy Nước Nguyên Khê, Cty đã báo cáo UBND TP xin khoanh nợ, giãn nợ và đề nghị bổ sung vốn kinh doanh nhưng không được chấp thuận. Cty Haprosimex tiếp tục xin UBND TP được thoái vốn 33 tỷ đồng tại liên doanh Cty TNHH Haprosimex - Moca và xin phép Sở Tài chính Hà Nội phối hợp với các ngân hàng để gọi vốn đầu tư vào Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp. Nếu bán toàn bộ nhà máy thì các khoản nợ ngân hàng sẽ được trả hết. Để củng cố lại bộ máy điều hành kém hiệu quả lâu nay, Cty đề nghị UBND TP Hà Nội ra quyết định nghỉ hưu đối với ông Vũ Tuấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cty đã được UBND TP Hà Nội cho phép nghỉ quản lý điều hành từ đầu năm 2012. Đồng thời, đề nghị UBND TP xem xét ông Nguyễn Minh Tuấn thôi giữ chức Phó Tổng Giám đốc để chuyển công tác khác. Cty Haprosimex đề nghị Sở Nội vụ Hà Nội bổ nhiệm bà Lê Tuyết Mai, Chủ tịch Công đoàn Haprosimex, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH Haprosimex - Moca làm thành viên Hội đồng Thành viên; đề nghị bổ nhiệm lại ông Vũ Văn Hải, Giám đốc Chi nhánh Haprosimex Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Cty; bà Trần Thị Thanh Hường, Trưởng phòng Kế toán Thống kê Haprosimex vào vị trí Kế toán trưởng Cty. Những đề nghị về cải tổ nhân sự trên đây chưa được UBND TP Hà Nội xem xét. Hiện tại, trong nội bộ Cty hết sức bất bình khi những người đứng đầu cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về hoạt động quản lý đầu tư, kinh doanh cụt vốn, thua lỗ triền miên, nhưng chưa bị xử lý. Thiệt hại đó ai sẽ chịu trách nhiệm? Câu hỏi này xin gửi tới UBND TP Hà Nội. Thế Lữ |
Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012
Haprosimex: Thua lỗ trầm trọng, lãnh đạo vẫn…vô can
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét