Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Doanh nghiệp chết vì 'nền kinh tế 1 đôla'

Một đôi giày hiệu có giá bán cỡ vài triệu nhưng thật ra giá gia công tại Việt Nam chỉ khoảng 1 đôla. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế tạo ra giá trị gia tăng cực thấp. Thế mà các doanh nghiệp gia công ở Việt Nam đã mừng rơn rồi vì có đơn hàng để có việc làm cho công nhân. Trong khi đó khâu thiết kế sản phẩm, sáng tạo mẫu mã, thương hiệu thì các hãng nước ngoài đã lấy hết lợi nhuận.

Doanh nghiệp chưa bao giờ chết nhiều như 2 năm qua

Nhiều đại gia giàu sụ trong nước chủ yếu dựa trên khai thác tài nguyên đất đai, thiên nhiên khoáng sản, lấy nguyên liệu thô xuất khẩu đến cạn kiệt nhanh chóng hết dành cho thế hệ con cháu mai sau. Nhiều doanh nghiệp chết vì nợ nần do chạy theo những giá trị ảo và không gượng dậy được khi bong bóng xì hơi.

Buồn hơn là những khâu gia công các mặt hàng công nghệ cao như điện tử cao cấp gia dụng, điện toán đã chuyển dịch hết ra các quốc gia khác như Trung Quốc và gần đây nhất là Indonesia, và sắp tới có thể là Myanmar.
 
Về lĩnh vực phần mềm chất xám đúng nghĩa thì Việt Nam cũng loay hoay gia công cho người ta từng module, là những mảng đòi hỏi tính tỉ mỉ, tốn thời gian nhiều và nhân lực số đông. Còn khâu sáng tạo, tận dụng đầu óc, trí thông minh thì chưa tạo ra nhiều sản phẩm nội địa cho Việt Nam.

Thập niên 90, chiếc xe máy Dream Thái đã thống lĩnh trong tâm trí người tiêu dùng Việt vì nó hiện đại, đẹp. Và giờ đây Thái Lan đã vươn lên thêm đỉnh cao mới cao hơn, trong khi công nghiệp ôtô của VN đang lao đao. Mua một ô tô nhập khẩu từ Thái Lan đảm bảo là hơn hẳn xe nội địa về chất lượng, độ bền, tin cậy cao.

Văn hóa kinh doanh, văn minh doanh nghiệp của Việt Nam cũng chưa được đề cao. Luật thương mại chưa được tôn trọng trong làm ăn, chỉ theo cách nghĩ chủ quan kiểu cũ, quen biết bao biện cho nhau, để rồi mất hết cả niềm tin của khách hàng, đối tác...

Khi nào các doanh nghiệp đại gia trong nước tiến tới cạnh tranh được với thị trường khu vực gần gần như Asian? Cạnh tranh được với Thái Lan sát nách thôi thì cũng đủ mừng rồi. Nhưng cái này chắc là phải chờ đến vài chục năm nữa với kế sách đột phá dữ dằn mới mong hi vọng.

Theo Nguyen Tran (VNE)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét