Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

NHÂN CÁCH - PHẨM CHẤT CỦA CON NGƯỜI

    
Nhân cách là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng mối quan hệ giữa con người với con người từ những chuyện bình thường, mối quan hệ gia đình, kết giao đến mối quan hệ xã hội, công tác, kinh doanh. Nhân cách thể hiện qua cách ứng xử của con người đối với người khác cũng như đối với sự việc trong cuộc sống, đồng thời nhân cách thể hiện trình độ văn hóa, nhân tính và nguyên tắc sống của con người. Con người là một thực thể xã hội, vì vậy chất lượng mối quan hệ xã hội có ảnh hưởng quyết định đối với chất lượng cuộc sống.

Nhân cách được định hình bởi hệ thống những phẩm giá thể hiện qua các mối quan hệ của con người xuất phát từ tâm lý, tình cảm, nhân sinh quan, nhận thức về bản thân và xã hội. Nhân cách là đặc trưng của từng cá nhân, là bản chất thực của con người. Phía trước mọi người, trong cuộc đời, luôn có nhiều con đường. Người thiếu nhân cách sẽ mất phương hướng khi chọn con đường chính đáng cho mình.

Những khiếm khuyết về nhân cách của con người có thể che giấu nhất thời đối với một số người nào đó, nhưng không thể che giấu suốt đời. Quan chức có thể che giấu những khiếm khuyết nhân cách của mình đối với cấp trên quan liêu, thích xu nịnh, nhưng không dễ gì che giấu đối với quần chúng.

Không thể nhìn bề ngoài để đánh giá nhân cách con người. Nhân cách là phẩm chất bên trong, vô hình, nhưng được thể hiện qua tính chính trực và các kỹ năng sống của con người. Người có nhân cách tốt dễ thu nhận được cảm tình, lòng tin, sự tôn trọng và hợp tác của người khác, vì vậy họ có nhiều bạn đồng hành tốt trong cuộc đời. Ngược lại, người thiếu nhân cách là con người thiếu những kỹ năng sống thiết yếu, dễ gặp thất bại. 

Rèn luyện kỹ năng sống chính là rèn luyện nhân cách để hướng tới một tương lai tốt đẹp.

Trần Thượng Tuấn

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Cổ đông hãy sử dụng hết quyền của mình

Ba cách tăng quyền lực của Nhà Đầu Tư

Tuy là người tổ chức “Ngày hội Chứng khoán” (21/9, TP. HCM) nhưng chuyên gia Alan Phan – Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa lại là một trong những người thuyết trình sau cùng. Chủ đề “Quyền lực của NĐT trong cải thiện chất lượng ban quản lý và tạo niềm tin” mà ông trình bày không mới nhưng vẫn thu hút người nghe, bởi ông đã nói được điều NĐT trăn trở.

Ai cũng thấy TTCK đang èo uột về thanh khoản. Đa số NĐT trông đợi Nhà nước và các cơ quan chức năng có hành động để cải thiện tình trạng này. Nhưng ông Alan Phan cho rằng, chờ đợi các giải pháp từ Nhà nước không khôn ngoan bằng việc chủ động hành động. Khi NĐT thực thi hiệu quả các quyền của mình, không chỉ tiền trong túi NĐT được bảo vệ mà TTCK cũng sẽ tốt lên.

 

Báo chí là một phương tiện hữu hiệu để NĐT thể hiện quyền lực của mình với DN

Sử dụng hiệu quả lá phiếu trong ĐHCĐ

Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các nguyên tắc quản trị công ty đều ghi nhận, cổ đông có những quyền rất cơ bản như quyền giao dịch cổ phiếu, quyền tiếp cận thông tin, quyền nhận cổ tức… Nhưng quyền quan trọng của NĐT là tham dự, phát biểu và thực hiện biểu quyết trong ĐHCĐ.

Thông thường, trong ĐHCĐ, DN sẽ phải báo cáo và lấy ý kiến cổ đông về kết quả kinh doanh đã thực hiện, kế hoạch kinh doanh dự kiến, kế hoạch phân chia lợi nhuận, trả cổ tức, chính sách thù lao cho ban lãnh đạo, lựa chọn kiểm toán, bầu chọn thành viên HĐQT… Ngoài ra, trong những trường hợp đặc biệt, DN sẽ trình cổ đông các kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn, các kế hoạch chuyển nhượng/bán cổ phần, tài sản, các kế hoạch đầu tư, việc thay đổi ngành nghề kinh doanh, bổ sung, điều chỉnh điều lệ công ty…

Tùy nội dung mà các kế hoạch này sẽ cần 65% hay 75% cổ phần có quyền biểu quyết thông qua. Ông Alan Phan kêu gọi NĐT có trách nhiệm với lá phiếu của mình. Nếu thấy các kế hoạch, trình bày của DN còn lấn cấn, chưa rõ ràng, chưa thuyết phục…, NĐT cần phản đối thay vì giơ phiếu ủng hộ. Trong nhiều trường hợp, quyền phủ quyết của NĐT rất hiệu nghiệm. Điển hình như mới đây, CTCP Dược Traphaco (TRA) đã không thể tiếp tục triển khai kế hoạch phát hành 12,34 triệu cổ phần tăng vốn do chỉ 50,86% cổ phần có quyền biểu quyết đồng ý với kế hoạch trên. Hay kế hoạch thưởng vượt chỉ tiêu kinh doanh năm 2011 cho lãnh đạo Công ty tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel  (VVF) cũng phải dẹp bỏ trước sự phản đối của 44,04% cổ phần có quyền biểu quyết.

Tích cực lên tiếng

Thay vì ấm ức bực bội trước các bê bối từ DN, ông Alan Phan cho rằng, NĐT nên tìm cách chia sẻ các thông tin này đến cộng đồng NĐT. NĐT có thể chia sẻ thông tin trên diễn đàn, blog… Nhưng cách chia sẻ hiệu quả nhất là thông tin đến báo chí các thắc mắc, nghi ngờ, các bằng chứng có được của mình. Từ phản ánh và chia sẻ của NĐT, báo chí sẽ tìm hiểu để có những bài viết bao quát, kịp thời.

Thực tế, thời gian qua, những bài viết sâu về hoạt động DN trên các báo đài đều ít nhiều xuất phát từ các phát hiện của NĐT. Qua những bài viết này, tình hình ở DN được “soi” kỹ hơn, giúp NĐT có thêm cơ sở tham khảo trước khi ra quyết định đầu tư. Những bài viết liên quan đến các dấu hiệu vi phạm luật cũng tạo được chú ý và thôi thúc nhà quản lý vào cuộc. Rõ ràng, bằng cách truyền thông, NĐT đã gián tiếp thực hiện được việc giám sát hoạt động ở DN, giúp sàng lọc lại hàng hoá trên TTCK. Nếu NĐT tích cực lên tiếng và trở thành nguồn tin quan trọng của báo đài, DN có ý định vi phạm luật hay vi phạm quyền lợi cổ đông chắc chắn phải dè dặt hơn. 

Sẵn sàng khiếu kiện

Lâu nay, NĐT Việt Nam vẫn được đánh giá là hiền, bởi NĐT thường xuề xòa trong việc bỏ phiếu và quan trọng là họ ít khiếu kiện. Con số khiếu kiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các khiếu kiện trong lĩnh vực chứng khoán cũng chỉ mới tập trung vào tố cáo CTCK như việc NĐT tố cáo CTCK SBS, CTCK Trường Sơn… Trong khi đó, không ít DN thực hiện giao dịch nội gián, lạm dụng mua bán tư lợi, thiếu tôn trọng các quyền của NĐT như quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin, quyền bầu cử- bãi nhiệm thành viên HĐQT, quyền tham dự ĐHCĐ… lại bình an vô sự.

Ông Alan Phan cho biết, nếu mạnh dạn khiếu kiện, quyền của NĐT chắc chắn sẽ tăng lên. Bởi cho dẫu kết quả kiện tụng có không như kỳ vọng của NĐT do gặp vướng mắc về luật chẳng hạn, thì việc dính vào kiện tụng, gây chú ý là điều không DN nào mong muốn.

Khi DN biết rằng, họ có thể bị NĐT “soi” bất cứ lúc nào, bị tố cáo bất cứ lúc nào, DN sẽ phải hoạt động theo hướng chuẩn mực hơn, tôn trọng NĐT hơn. Từ đây, TTCK cũng sẽ minh bạch, cải thiện hơn.

Ngọc Thủy

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Ông Trương Đình Anh từ chức CEO FPT

(Dân trí) - Ông Trương Đình Anh bất ngờ từ nhiệm Tổng Giám đốc FPT vào hôm nay 26/9 vì “những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa ông và HĐQT”.

Tin từ FPT cuối ngày 26/9 nói, ngay trong ngày, khi ông Trương Đình Anh viết đơn từ nhiệm Tổng Giám đốc, HĐQT FPT đã đồng ý miễn nhiệm đối với ông Trương Đình Anh, và người thay thế CEO trẻ này không ai khác là ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT.
Ông Trương Gia Bình trở lại chiếc ghế cũ Tổng Giám đốc FPT
Ông Trương Gia Bình trở lại chiếc ghế cũ Tổng Giám đốc FPT

Tin cũng nói, lý do ông Trương Đình Anh nêu trong đơn xin từ nhiệm là vì những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa ông và HĐQT.
Rời ghế CEO Tập đoàn FPT, ông Trương Đình Anh sẽ tiếp tục là thành viên Hội đồng Quản trị FPT và Hội đồng sáng lập FPT. Ở các công ty thành viên như FPT Retail, FPT Telecom, FPT Online, ông Trương Đình Anh vẫn là thành viên Hội đồng Quản trị và cố vấn cấp cao.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) FPT Trương Gia Bình sẽ kiêm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc từ ngày 26/9 cho đến khi việc ông Trương Gia Bình kiêm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc được Đại hội đồng cổ đông thường niên FPT phê chuẩn, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2013.
Ông Trương Gia Bình là sáng lập viên FPT, Chủ tịch HĐQT và giữ chức Tổng Giám đốc FPT trong hơn 20 năm (1988-2009). Dưới sự dẫn dắt của ông, từ 13 thành viên ban đầu, FPT đã trở thành tập đoàn CNTT và VT hàng đầu Việt Nam, đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2008.
Trước đó, khi ông Trương Đình Anh bất ngờ xin nghỉ phép hai tháng, đã rộ lên nhiều đồn đoán về việc ông sẽ rời hẳn ghế CEO FPT vì những bất đồng với HĐQT cũng như kết quả kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng và chỉ tiêu đặt ra đầu năm. Cũng có tin nói rằng ông Trương Đình Anh mâu thuẫn với các cộng sự và thuộc cấp.
Mặc dù vậy, trong thông báo của mình cuối chiều nay 26/9, FPT vẫn khẳng định ông Anh là một nhà quản lý có tài năng và có nhiều đóng góp cho FPT. FPT coi sự từ nhiệm của ông Anh là một điều đáng tiếc.
Về kết quả làm ăn, kết thúc 8 tháng năm 2012, FPT đạt doanh thu 15.298 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.540 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt mức 956 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu bình quân đạt 3.529 đồng/cổ phiếu.

Hồng Kỹ

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Tư duy tích cực



Tư duy là thứ duy nhất mà con người có thể làm chủ hoàn toàn. Nguyên Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela vẫn cảm thấy tự do suốt quãng thời gian 27 năm dài sống trong phòng biệt giam trên một hòn đảo, nhờ đó ông vẫn giữ vững được tinh thần đấu tranh dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong khi đó thì nhiều người hoàn toàn tự do về thể xác, nhưng lai mất tự do về tinh thần, vì những lo sợ, ganh ghét, thù hằng, thất vọng triền miên hay bị điều khiển bởi suy nghĩ của người khác. Khi chỉ chú tâm vào những gì ngoài tầm kiểm soát được thì suy nghĩ của con người trở nên tiêu cực, cuộc sống sẽ đi đến chỗ bế tắc.
Tư duy chỉ đạo hành động và hành động quyết định kết quả của cuộc đời. Đó là quy luật “nhân nào quả đó” trong cuộc sống. Nhà thơ, nhà cải cách Scotland Samuel Smiles thể hiện điều đó bằng đoạn thơ sau:
"Gieo suy nghĩ, gặt hành động
             Gieo hành động, gặt thói quen
             Gieo thói quen, gặt tính cách
             Gieo tính cách, gặt số phận."
Nếu những gì chúng ta nghĩ đều là niềm vui thì chúng ta sẽ có niềm vui. Nếu những gì chúng ta nghĩ đều là những chuyện bi thương, thì tinh thần chúng ta sẽ suy sụp. Nếu chúng ta nghĩ đến tình huống sợ hãi, chúng ta sẽ sợ hãi. Nếu chúng ta nghĩ mình thất bại, thì sẽ thất bại. Đó là một chân lý rất đơn giản trong cuộc sống. Vậy hãy chọn: một là tư duy tích cực để điều khiển cuộc sống theo hướng tốt đẹp; hai là để tâm trạng tiêu cực điều khiểu cuộc sống của mình.
Nhạc sĩ, ca sĩ, nhà thơ, tác giả người Mỹ, Willie Nelson chỉ ra: “Một khi bạn thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực, bạn sẽ bắt đầu nhận được những kết quả tích cực”. Thế nhưng con người thường vô tình hướng suy nghĩ vào những điều mình không mong muốn, đó là điều cần cảnh giác với bản thân. Trong mọi hoàn cảnh, hãy giữ cho mình tập trung càng nhiều càng tốt vào điều đúng đắn, tích cực, tốt đẹp mà mình mong muốn, chứ không phải điều không mong muốn. Một khi suy nghĩ tiêu cực xuất hiện trong tâm trí, hãy sớm đoạn tuyệt với nó. Việc tập trung vào những điều tốt đẹp và tích cực, sẽ giúp ta thu hút được thêm nhiều điều tích cực và tốt đẹp trong cuộc sống.
TS. Norman Vincent Peale – người khởi xướng học thuyết “Suy nghĩ tích cực” nhận thấy: “Người nào gởi đi những suy nghĩ tích cực sẽ kích hoạt thế giới quanh anh ta trở nên tích cực, và anh ta cũng sẽ nhận lại những kết quả tích cực”. Khi cảm thấy hào hứng, nhiệt tình, đam mê, hạnh phúc, con người sẽ phát đi những năng lượng tích cực, ngược lại, nếu chán nản, buồn bã, tuyệt vọng, căng thẳng, giận dữ, sẽ phát đi những năng lượng tiêu cực. Con người thường có xu hướng tìm và gắn kết với những người cùng suy nghĩ, sở thích, lối sống, chí hướng. Vì vậy khi thay đổi tư duy theo chiều hướng tích cực, con người sẽ có thêm sức mạnh, động lực trong cuộc sống từ những người có cùng suy nghĩ, chí hướng. Đó là quy luật hấp dẫn trong quan hệ con người.
Người tư duy tích cực có tâm thần khỏe mạnh, vui vẻ, yêu đời, khó bị tress hay khủng hoảng tinh thần. Ngay cả khi trải qua vô số lần thất bại, nhà phát minh, sáng chế vĩ đại Thomas Edison vẫn giữ cho mình tư duy tích cực đáng khâm phục, ông cho rằng:“Trong đời mình tôi chưa bao giờ phải làm việc một ngày nào. Vì ngày nào cũng đầy niềm vui”. Đó là nguồn động lực đã mang đến cho ông 1093 bằng phát minh, sáng chế.
Hãy nhìn nhận lại chiều hướng tư duy của mình!
(Theo: Tam-sang.com)

Đổ tiếng xấu cho người dân

Trong hơn một năm gần đây, cứ thỉnh thoảng vài ba tháng lại có một quan chức nhà nước, thậm chí cả đại biểu cơ quan dân cử…có vấn đề yếu kém gì trong các lĩnh vực quản lý của nhà nước là lại lôi vấn đề dân trí hoặc đổ tiếng xấu cho số đông người dân. Tất nhiên, điều này luôn gây nên những phản ứng gay gắt  ngay từ những người có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước, phần lớn những người đại diện cho cử tri và đông đảo người dân  bởi sự thiếu chín chắn, thiếu cân nhắc của những người phát ngôn.
Gần đây nhất, trong buổi báo cáo tại phiên họp của  Ủy ban Thường Vụ Quốc hội đầu tuần trước, báo cáo công tác Phòng chống tham nhũng năm 2012 của Chính phủ có nhận định: “Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người dân chưa có hành động quyết liệt trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, ngược lại còn đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng để giành được lợi thế trong kinh doanh hoặc được “ưu tiên” giải quyết công việc”.
Đây có thể nói một nhận định khá “kỳ lạ”. Và đương nhiên, nó gặp ngay phản ứng. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã nói ngay sau khi báo cáo đọc xong: “ Dân không bao giờ muốn bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút”. Thẳng thắn hơn nữa, ông nói: “Không nên nhận định người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng bôi trơn. Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa cho ông”.
Cũng vì cái lý lẽ đó, tại buổi hội thảo của Viện Nghiên cứu lập pháp về sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng mới đây, ông Trần Đức Lượng, phó tổng thanh tra Chính phủ nói rằng: “Thực tế hiện nay có những trường hợp đưa hối lộ do bị gợi ý, ép buộc nhưng vì sợ ảnh hưởng đến công việc, quyền lợi của mình nên buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sau đó người đưa hối lộ tố cáo thì lại có thể bị truy tố vì tội đưa hối lộ. Quy định hiện hành thực chất đặt người đưa hối lộ và nhận hối lộ vào thế cùng thuyền”. Cho nên, rất có lý khi ông này đề xuất: “Bổ sung quy định xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo” vào dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) lần này.
Trả lời phỏng vấn của báo Thanh niên (báo đăng ngày 25.8.2012), một quan chức ngành ngân hàng nói rằng: “ Do dân trí, tập quán ở Việt Nam chưa cao như ở một số nước. Rất nhiều người dân hiện nay đi gửi tiền nhưng cũng không để ý đó là ngân hàng tốt hay xấu. Có khi chỉ vì ngân hàng này ở ngay đầu ngõ nhà mình nên mang tiền đến gửi cho thuận tiện. Nên cách làm của chúng tôi là tái cấu trúc từ bên trong để ngân hàng lành mạnh lên…”. Mặc dù câu nói của ông không trực tiếp nói rằng dân trí thấp nhưng cũng đã gây nên phản ứng rộng rãi trên cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, phát biểu của ông cũng chưa chín chắn bởi trên thực tế, nhìn vào lượng tiền gửi ở các tổ chức tín dụng, người ta cũng tin rằng, đa số người dân cũng đã biết chọn mặt gửi…tiền, khi chủ yếu gửi tiền vào những ngân hàng có uy tín, tình hình tài chính lành mạnh. Cho nên, ông lại viện đến câu: dân trí Việt Nam chưa cao nhưng một số nước quả thật là phát biểu rất thiếu cân nhắc.
Còn trước đó, ý kiến chỗ này, chỗ kia đổ cho dân trí thấp cũng không phải là ít. Bên lề phiên họp Quốc hội ngày 17.11.2011, đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước khi trả lời báo chí đã nói rằng: “Khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình”. Hàm ý của câu nói này khá rõ ràng nên cũng nhanh chóng vấp phải những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Bởi ngay chính trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội khác khi thảo luận về vấn đề này đã ủng hộ đề xuất của Chính phủ là cần xây dựng luật Biểu tình. Thế thì, hà cớ gì đại biểu Hoàng Hữu Phước lại cho rằng, trình độ dân trí Việt Nam chưa cao để xây dựng dự án luật Biểu tình ?.
Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có lúc, có người lạm dụng đánh giá trình độ dân trí, cho rằng chỉ số IQ của dân cao để bảo vệ quan điểm của mình mà không có căn cứ cũng không được sự ủng hộ của cử tri. Ví dụ như trong buổi thảo luận về việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam tại một phiên họp của Quốc hội trước đây, đại biểu Quốc hội Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) cũng khiến ngay chính nhiều đại biểu Quốc hội ngạc nhiên khi ông nói: "Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm... Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây".
 Còn nhớ, trước đây, vì “lỡ miệng” nói rằng: “Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm” (ông đưa ra nhận xét như vậy trong đợt mưa lụt nặng nề ở Hà Nội  tháng 11.2008), Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã phải công khai nói lời xin lỗi: “Tôi thực sự lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người”. Việc ông đưa ra lời xin lỗi chân thành, đúng lúc lúc đó lại được người dân chấp nhận và coi là một cách ứng xử khôn ngoan, văn minh.
Tất nhiên, không phải lúc nào khi đưa ra những nhận xét về dân trí, về tính cách người Việt…những tổ chức, cá nhân đưa ra nhận định cũng đều bị phản đối. Báo Tiền Phong đã từng đăng loạt bài, in thành sách (bán khá chạy) về những thói xấu của người Việt . Nhưng đó là kết quả của một quá trình thảo luận, tranh luận công khai có sự tham gia, đồng tình của đông đảo những người quan tâm, của các nhà nghiên cứu…và người ta có thể rút ra, đồng tình với nhau về một số hạn chế dễ thấy của người Việt Nam, để cùng nghĩ cách khắc phục, tiến bộ. 
Nhưng, ở những trường hợp như trên, có thể thấy điểm chung  của chúng  là những nhận định, suy xét tùy tiện; lạm dụng đánh giá về trình độ dân trí, thói quen của người dân để biện hộ, bảo vệ cho những luận điểm, những công việc làm chưa tốt của cơ quan phát ngôn, người phát ngôn ra những đánh giá đó; thậm chí, để nhằm bảo vệ cho những dự án, cho những việc phục vụ cho lợi ích riêng của một nhóm, một tổ chức…mà không vì lợi ích chung của cộng đồng. Chính vì vậy, trong một số trường hợp, phản ứng từ dư luận rất gay gắt. Và thậm chí, đã có cá nhân khi phát biểu không đúng về người dân đã phải xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó đủ cho thấy, việc đưa ra ý kiến đánh giá, nhận định về trình độ, kiến thức, thói quen…của số đông luôn phải thận trọng, chính xác đến thế nào.
Ông cha ta vẫn có câu “phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” hàm ý phải rất thận trọng trong lời ăn, tiếng nói. Nhất là trước đám đông, một chính trị gia, một cán bộ có trách nhiệm của nhà nước…càng phải thận trọng, không nên coi đó là nơi để mình “tập nói”. Ở nước ngoài, đã có không ít chính khách chỉ vì lỡ miệng mà phải từ chức, xin lỗi công khai…Việt Nam tuy hiếm trường hợp nào như thế nhưng cũng không có nghĩa là không có sức ép lớn để các tổ chức, cá nhân…nhất là những người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước có trách nhiệm với lời ăn tiếng nói của mình, đặc biệt là khi nói về dân trí, thói quen, sở thích…của người dân

Nguồn M.Q Blog

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

TIẾT KIỆM KIỂU SẾP!

Ngày lễ gặp lại anh em ở cơ quan cũ, nghe nói cuộc sống ngày càng khó khăn. Không có nhiều việc nên nguồn thu ít đi. Lương bây giờ về hệ số cơ bản. Nghĩa là cuộc sống quay trở về 18 năm trước. Cái Ban lừng lẫy một thời của Bộ GTVT bây giờ cũng tàn tạ như thế này đây. Thôi thì khó khăn chung của cả nước mà.
Anh em méo mặt, nhưng sếp thì vẫn oách lắm, chả tuần nào không bay ra bay vô giữa hai miền. Kệ mẹ chúng mày bức xúc nhá.
Trước đây tôi kể sếp bắt tiết kiệm giấy bằng cách phải tận dụng giấy một mặt, nhưng lại chả tiết kiệm cái khoản in thử. Cái đầu thông minh của sếp không nghĩ ra được cách duyệt bằng file, thế nên để ra được một cái văn bản cho sếp phê thì mất thêm dăm ba lần sửa rồi in lại, tốn thêm cả mực!
Buồn cười chuyện dạo trước, thằng đệ tử của sếp ra oai, bảo cấp cho hắn một ram giấy in. Hôm sau sếp về, tự dưng thấy thằng đệ tử nháo nhào chạy sang, bảo văn thư lục tung file lưu trữ để tìm các văn bản hắn đã sản xuất ra, đếm từng tờ, rồi tính cả lượng bản in hỏng, đã vo viên tống vào sọt rác cũng phải moi lên tãi ra, để bá cáo cho sếp tình hình sử dụng ram giấy đó.
Đấy là chuyện mười năm về trước. Bây giờ sếp còn quản chặt hơn. Không chỉ kiểm soát từng ram giấy mà còn từng cả cuộn giấy!
Thoạt đầu mới nghe, tôi còn đang nghi hoặc thì mấy đứa gật đầu đai lại:
-     Đúng thế ! Từng cuộn giấy nhá!
-     Ah! Giấy toilet! Đúng rồi, sếp tiết kiệm thế là phải. Chúng mày kêu ca nỗi gì. Tao thấy anh em mình dùng hoang phí lắm. Lấy cả giấy toilet để lau tay. Cái thứ giấy mủn ấy gặp nước nó còn dính nhằng nhằng vào tay ấy chứ, tốn ơi là tốn. Tao ủng hộ sếp trong việc này.
-     Chưa hết đâu chị ơi. Bây giờ muốn photo tài liệu để làm việc là phải đi ra ngoài phố, phòng tự bỏ tiền ra mà chi, văn phòng bây giờ không có giấy để photo đâu.
-     À ừ, nhưng mà chúng mày có bỏ tiền túi ra đâu mà kêu, tiền của nhà thầu đấy chứ? Cái này tao cũng ủng hộ sếp nhá.
-     Ôi giời chị nói thế thì nói làm gì. Sếp chỉ cần tiết kiệm một chuyến đi về là đủ giấy in cho cả ban. Sếp bảo cấm không cho mọi người ăn trưa trong phòng, nhưng sếp thì đuỳnh huỳnh gọi cháo bê vào tận phòng cho sếp ăn.
Ừ! Tôi nhớ ngày xưa sếp sắc thuốc bắc bằng ấm điện tại Ban. Cả Ban ngào ngạt, thơm lừng mùi thuốc bắc. Anh em cũng được thơm lây.
Thắc mắc giề? Muốn được oai như sếp thì cố kiếm nhiều tiền đê. Đi buôn thì phải bỏ vốn chứ.
Nói thế chứ cũng ngậm ngùi, thương chúng nó ra phết.

Ban Kiểm soát không thể... kiểm soát!

(Dân trí) - Theo nhìn nhận của công ty kiểm toán PwC, các cổ đông lớn có cổ phần chi phối tại ĐHĐCĐ thường nắm giữ các chức vụ cao cấp nhất tại HĐQT và bầu ra BKS. Do đó, BKS rất khó có thể “kiểm soát” được các thành viên HĐQT.

Ban Kiểm soát (BKS) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động quản trị tài chính của doanh nghiệp, nhất là  tại các công ty cổ phần. Tuy nhiên, một loạt những sai phạm gần đây dẫn đến hàng loạt công ty phá sản, liên tiếp các lãnh đạo vướng vào vòng lao lý đã lại cho thấy, ở nhiều doanh nghiệp, bộ phận này lại chưa thực hiện đầy đủ chức năng quyền hạn và mang lại hiệu quả không như cổ đông kỳ vọng.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005, BKS có quyền hạn rất lớn đối với các công ty cổ phần. BKS do ĐHĐCĐ bầu ra để giám sát các hoạt động của Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc điều hành.

Cụ thể, tại điều 124 của Luật này về Quyền được cung cấp thông tin của Ban Kiểm soát thì thành viên BKS có quyền tiếp cận các hồ sơ, tài liệu của công ty lưu giữ tại trụ sở chính, chi nhánh và địa điểm khác; có quyền đến các địa điểm nơi người quản lý và nhân viên của công ty làm việc.

Ngoài ra, Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người quản lý khác phải cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin, tài liệu về công tác quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của công ty theo yêu cầu của Ban kiểm soát.

Một phiên họp ĐHĐCĐ (ảnh minh họa).
Một phiên họp ĐHĐCĐ (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Nguyễn Viết Thịnh, Giám đốc bộ phận tư vấn, Công ty PricewaterhouseCoopers (Vietnam) - PwC Việt Nam, trên thực tế, các cổ đông lớn có cổ phần chi phối tại ĐHĐCĐ thường nắm giữ hoặc cử người đại diện nắm giữ các chức vụ cao cấp nhất  tại HĐQT. "Những người này phần là những người có cả tiền (bản thân họ là cổ đông góp vốn) và quyền (do số lượng cổ phiếu mà họ nắm giữ)".

"Trong khi đó các thành viên của BKS về danh nghĩa là do ĐHĐCĐ bầu ra nhưng bản chất cũng là do các cổ đông có cổ phần chi phối quyết định. Do vậy các thành viên của BKS rất khó có thể “kiểm soát” được các thành viên HĐQT vì đó là những người có cả “tiền” và “quyền” và có tác động rất lớn đến việc bổ nhiệm các thành viên BKS", ông Thịnh phân tích.

Khi HĐQT mở rộng quyền đưa người thân cận vào "kiểm soát" thì sẽ dẫn đến tâm lý "dĩ hòa vi quý".

Có thể thấy những hiện tượng thao túng hoạt động công ty đã xảy ra ở trường hợp điển hình như CTCK Hà Thành (HASC) hay CTCK Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) gây xôn xao dư luận thời gian qua. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sau kiểm tra cũng đánh giá rằng, mặc dù các trường hợp này đều có quy trình kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro nhưng việc thực thi lại kém.

Hay như cách đây không lâu đã có trường hợp báo cáo của CTCK Thành Công (TCSC) bị bác bỏ trong đại hội đồng cổ đông do hoạt động không thuyết phục.

DNNN: Dày đặc cơ quan sám sát, kiểm tra, vẫn lọt lưới!

Tại  những Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, Vinashin và Vinlines đều có ban kiểm soát, nhưng nhiều năm liền, các quyết định "làm trái" của HĐQT, ban điều hành của những tổ chức này đưa ra lại không được Ban Kiểm soát phát hiện và công bố. Tình trạng lỗ lãi không chỉ tại hai doanh nghiệp này mà rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác cũng trở nên mập mờ, dòng tiền luân chuyển không được công khai minh bạch.

Tất nhiên, vai trò và quyền năng của BKS ở trong các Tập đoàn nhà nước không "hoành tráng" được như tại các công ty cổ phần. Nghị định số 101/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước có quy định, Ban kiểm soát các tập đoàn do HĐQT thành lập, trưởng ban Kiểm soát là thành viên của HĐQT được HĐQT phân công làm nhiệm vụ. Các thành viên của Ban Kiểm soát do HĐQT lựa chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm và cả Ban Kiểm soát hoạt động theo quy chế của HĐQT ban hành. Như vậy, cái bóng của HĐQT đã phủ lên BKS và khiến bộ phận này khó có thể thực hiện được chức năng cần có của mình một cách thuận lợi.

Theo thông tin được đưa ra tại báo cáo “Kết quả điều tra về quản trị DNNN, giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước và khuyến nghị chính sách” công bố hồi năm ngoái, hầu hết DNNN thực hiện 1 trong 3 loại hình kiểm toán: kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ. Tuy nhiên phần lớn đều chưa coi trọng công tác giám sát, kiểm toán nội bộ bằng giám sát, kiểm toán từ bên ngoài. Thậm chí, có gần 30% doanh nghiệp “không bao giờ” đánh giá kết quả hoạt động của Tổng giám đốc/Giám đốc.

Xuất hiện tại chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" ngày 1/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, để ra xảy ra sai phạm tại các DNNN trong khi dày đặc cơ quan giám sát, bên cạnh trách nhiệm của hệ thống tổ chức quản lý như bộ, ngành, cơ quan chủ quản, hệ thống chính trị như các tổ chức đảng, công đoàn tại từng doanh nghiệp còn có nguyên nhân từ lãnh đạo, người quản lý trực tiếp doanh nghiệp, được giao thay mặt nhà nước quản lý vốn tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính còn là việc chưa minh bạch trong thông tin công bố.

Về khung pháp luật, hiện đã có những quy định cơ bản và mạch lạc nhưng qua như những vụ việc sai phạm tại Vinashin, Vinalines, các cơ quan thanh tra, điều tra đều có kết luận rõ ràng là sai phạm, những vụ thất thoát lớn đều do sự cố ý làm trái của cá nhân. "Họ biết việc làm đó pháp luật không cho phép, không được làm nhưng vì lợi ích cá nhân, vì lợi ích nhóm nên vẫn cố tình làm trái".

BKS tại DNNN do HĐQT lựa chọn bổ nhiệm, miễn nhiệm, phân công nhiệm vụ.
BKS tại DNNN do HĐQT lựa chọn bổ nhiệm, miễn nhiệm, phân công nhiệm vụ.

Rõ ràng, kiểm soát nội bộ cần phải được giao thực quyền và có vai trò, vị trí độc lập trong doanh nghiệp. Khi mà BKS vẫn đang bị "khống chế" bởi khoản thù lao do chính doanh nghiệp chi trả cũng như bị ràng buộc bởi những mối quan hệ cá nhân thì  tính độc lập của BKS vẫn còn bị ảnh hưởng.
.
BKS không hoàn thành tốt chức năng là "điều dễ hiểu"

Có một điểm đáng lo ngại, theo ông Thịnh đó là quy định hiện tại không nêu rõ trách nhiệm mà BKS phải gánh chịu nếu như không làm tròn vai trò của mình. Theo đó, Luật Doanh nghiệp mới chỉ đưa ra các trách nhiệm nếu các thành viên BKS vi phạm các vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Chính vì vậy, khi có vấn đề xảy ra đối với các doanh nghiệp do HĐQT hoặc Tổng giám đốc gây ra thì gần như các công ty, cổ đông không xem xét đến trách nhiệm của BKS.

Hơn nữa, có vẻ như phần lớn các doanh nghiệp không xem trọng vai trò của BKS. Quan điểm của doanh nghiệp khi thành lập BKS là để tuân thủ pháp luật. Hoạt động của BKS phần lớn mang tính hình thức và chưa có thực chất. Do đó, doanh nghiệp không đầu tư, trang bị đầy đủ cho BKS thực hiện tốt chức năng giám sát của họ.

Tất nhiên, cũng phải thấy rằng, một lý do khác khiến BKS không làm tròn chức năng của họ là họ không có đủ nguồn nhân lực. Rất ít thành viên BKS làm việc toàn thời gian, phần lớn là làm việc bán thời gian, kiêm nhiệm thêm nhiều chức vụ khác ở nhiều tổ chức, công ty khác hoặc ngay chính công ty mà họ thành viên BKS. Cá biệt có doanh nghiệp có BKS chỉ gồm toàn các thành viên làm việc bán thời gian. Những người này thậm chí không quen biết nhau.

Trên thực tế, phần lớn các thành viên trong BKS chỉ gặp nhau định kỳ hàng quý hoặc thậm chí là ít hơn. Số lần đi kiểm tra các hoạt động của doanh nghiệp cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với số lượng người và cách làm việc như vậy thì việc đáp ứng các yêu cầu đặt ra đối với BKS là gần như không thể - ông Thịnh nhận xét.

Ngoại trừ ngân hàng, trong các lĩnh vực khác, BKS đều không có bộ máy giúp việc. Nếu như trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có quy định cụ thể về chức năng kiểm toán nội bộ độc lập trực thuộc BKS và báo cáo lên cho BKS thì trong các lĩnh vực khác, không có một quy định cụ thể về một bộ máy giúp việc cho BKS.

Kết hợp với việc phần lớn BKS chỉ làm việc bán thời gian thì việc BKS không thể hoàn thành tốt chức năng của mình là một điều dễ hiểu. Ngoài bộ máy giúp việc, BKS còn thiếu công cụ thu thập thông tin phục vụ chức năng giám sát. Họ không được trang bị một hệ thống thông tin quản lý đặc thù cho công việc giám sát.

Thông thường BKS chỉ dựa vào các báo cáo định kỳ của doanh nghiệp và chỉ tiếp cận được những thông tin chung mà doanh nghiệp cung cấp cho họ. Thậm chí, có khi những thông tin BKS được nhận cho mục đích công việc giám sát của họ cũng chính là những thông tin mà một cổ đông thông thường cũng có được. Do đó, việc này ít nhiều ảnh hưởng đến công việc của BKS.

Một vấn đề khác, theo thông lệ quốc tế, để thực hiện công tác giám sát hoạt động của doanh nghiệp, thường các thành viên trong BKS phải hỗ trợ nhau để đảm bảo có ít nhất 4 nhóm kỹ năng chính là: năng lực quản lý rủi ro, năng lực chuyên môn về kế toán kiểm toán, năng lực về hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp và năng lực giám sát sự tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam có một đội ngũ BKS hội đủ 4 yếu tố này.

Bích Diệp