(Dân trí) - Ông Trương Đình Anh bất ngờ từ nhiệm
Tổng Giám đốc FPT vào hôm nay 26/9 vì “những khác biệt trong hoạch định
chiến lược và phương thức điều hành giữa ông và HĐQT”.
Tin từ FPT cuối ngày 26/9 nói,
ngay trong ngày, khi ông Trương Đình Anh viết đơn từ nhiệm Tổng Giám
đốc, HĐQT FPT đã đồng ý miễn nhiệm đối với ông Trương Đình Anh, và người
thay thế CEO trẻ này không ai khác là ông Trương Gia Bình, Chủ tịch
HĐQT.
Ông Trương Gia Bình trở lại chiếc ghế cũ Tổng Giám đốc FPT
Tin cũng nói, lý do ông Trương Đình Anh nêu trong đơn xin từ nhiệm là
vì những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành
giữa ông và HĐQT.
Rời ghế CEO Tập đoàn FPT, ông Trương Đình Anh sẽ tiếp tục là thành
viên Hội đồng Quản trị FPT và Hội đồng sáng lập FPT. Ở các công ty thành
viên như FPT Retail, FPT Telecom, FPT Online, ông Trương Đình Anh vẫn
là thành viên Hội đồng Quản trị và cố vấn cấp cao.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) FPT Trương Gia Bình sẽ kiêm nhiệm
chức vụ Tổng Giám đốc từ ngày 26/9 cho đến khi việc ông Trương Gia Bình
kiêm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc được Đại hội đồng cổ đông
thường niên FPT phê chuẩn, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2013.
Ông Trương Gia Bình là sáng lập viên FPT, Chủ tịch HĐQT và giữ chức
Tổng Giám đốc FPT trong hơn 20 năm (1988-2009). Dưới sự dẫn dắt của
ông, từ 13 thành viên ban đầu, FPT đã trở thành tập đoàn CNTT và VT hàng
đầu Việt Nam, đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2008.
Trước đó, khi ông Trương Đình Anh bất ngờ xin nghỉ phép hai tháng, đã
rộ lên nhiều đồn đoán về việc ông sẽ rời hẳn ghế CEO FPT vì những bất
đồng với HĐQT cũng như kết quả kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng và chỉ
tiêu đặt ra đầu năm. Cũng có tin nói rằng ông Trương Đình Anh mâu thuẫn
với các cộng sự và thuộc cấp.
Mặc dù vậy, trong thông báo của mình cuối chiều nay 26/9, FPT vẫn
khẳng định ông Anh là một nhà quản lý có tài năng và có nhiều đóng góp
cho FPT. FPT coi sự từ nhiệm của ông Anh là một điều đáng tiếc.
Về kết quả làm ăn, kết thúc 8 tháng năm 2012, FPT đạt doanh thu
15.298 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.540 tỷ đồng. Lợi nhuận sau
thuế cổ đông công ty mẹ đạt mức 956 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu
bình quân đạt 3.529 đồng/cổ phiếu.
Hồng Kỹ
Ông T.Đ.Anh là một nhà quản lý có tài năng và có nhiều đóng góp cho FPT nhưng vẫn từ nhiệm. Còn ở HFX có một nhà quản lý bất tài và có nhiều "đóng góp" đưa công ty đến bờ vực phá sản thì không chịu rời ghế. Lòng từ trọng của kẻ bất tài chỉ là thứ xa xỉ!
Trả lờiXóa