(Dân trí) - Theo nhìn nhận của công ty kiểm toán
PwC, các cổ đông lớn có cổ phần chi phối tại ĐHĐCĐ thường nắm giữ các
chức vụ cao cấp nhất tại HĐQT và bầu ra BKS. Do đó, BKS rất khó có thể
“kiểm soát” được các thành viên HĐQT.
Ban Kiểm soát (BKS) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động quản trị tài chính của doanh nghiệp, nhất là tại các công ty cổ phần. Tuy nhiên, một loạt những sai phạm gần đây dẫn đến hàng loạt công ty phá sản, liên tiếp các lãnh đạo vướng vào vòng lao lý đã lại cho thấy, ở nhiều doanh nghiệp, bộ phận này lại chưa thực hiện đầy đủ chức năng quyền hạn và mang lại hiệu quả không như cổ đông kỳ vọng.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005, BKS có quyền hạn rất lớn đối với các công ty cổ phần. BKS do ĐHĐCĐ bầu ra để giám sát các hoạt động của Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc điều hành.
Cụ thể, tại điều 124 của Luật này về Quyền được cung cấp thông tin của Ban Kiểm soát thì thành viên BKS có quyền tiếp cận các hồ sơ, tài liệu của công ty lưu giữ tại trụ sở chính, chi nhánh và địa điểm khác; có quyền đến các địa điểm nơi người quản lý và nhân viên của công ty làm việc.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người quản lý khác phải cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin, tài liệu về công tác quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của công ty theo yêu cầu của Ban kiểm soát.
Một phiên họp ĐHĐCĐ (ảnh minh họa).
"Trong khi đó các thành viên của BKS về danh nghĩa là do ĐHĐCĐ bầu ra nhưng bản chất cũng là do các cổ đông có cổ phần chi phối quyết định. Do vậy các thành viên của BKS rất khó có thể “kiểm soát” được các thành viên HĐQT vì đó là những người có cả “tiền” và “quyền” và có tác động rất lớn đến việc bổ nhiệm các thành viên BKS", ông Thịnh phân tích.
Khi HĐQT mở rộng quyền đưa người thân cận vào "kiểm soát" thì sẽ dẫn đến tâm lý "dĩ hòa vi quý".
Có thể thấy những hiện tượng thao túng hoạt động công ty đã xảy ra ở trường hợp điển hình như CTCK Hà Thành (HASC) hay CTCK Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) gây xôn xao dư luận thời gian qua. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sau kiểm tra cũng đánh giá rằng, mặc dù các trường hợp này đều có quy trình kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro nhưng việc thực thi lại kém.
Hay như cách đây không lâu đã có trường hợp báo cáo của CTCK Thành Công (TCSC) bị bác bỏ trong đại hội đồng cổ đông do hoạt động không thuyết phục.
DNNN: Dày đặc cơ quan sám sát, kiểm tra, vẫn lọt lưới!
Tại những Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, Vinashin và Vinlines đều có ban kiểm soát, nhưng nhiều năm liền, các quyết định "làm trái" của HĐQT, ban điều hành của những tổ chức này đưa ra lại không được Ban Kiểm soát phát hiện và công bố. Tình trạng lỗ lãi không chỉ tại hai doanh nghiệp này mà rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác cũng trở nên mập mờ, dòng tiền luân chuyển không được công khai minh bạch.
Tất nhiên, vai trò và quyền năng của BKS ở trong các Tập đoàn nhà nước không "hoành tráng" được như tại các công ty cổ phần. Nghị định số 101/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước có quy định, Ban kiểm soát các tập đoàn do HĐQT thành lập, trưởng ban Kiểm soát là thành viên của HĐQT được HĐQT phân công làm nhiệm vụ. Các thành viên của Ban Kiểm soát do HĐQT lựa chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm và cả Ban Kiểm soát hoạt động theo quy chế của HĐQT ban hành. Như vậy, cái bóng của HĐQT đã phủ lên BKS và khiến bộ phận này khó có thể thực hiện được chức năng cần có của mình một cách thuận lợi.
Theo thông tin được đưa ra tại báo cáo “Kết quả điều tra về quản trị DNNN, giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước và khuyến nghị chính sách” công bố hồi năm ngoái, hầu hết DNNN thực hiện 1 trong 3 loại hình kiểm toán: kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ. Tuy nhiên phần lớn đều chưa coi trọng công tác giám sát, kiểm toán nội bộ bằng giám sát, kiểm toán từ bên ngoài. Thậm chí, có gần 30% doanh nghiệp “không bao giờ” đánh giá kết quả hoạt động của Tổng giám đốc/Giám đốc.
Xuất hiện tại chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" ngày 1/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, để ra xảy ra sai phạm tại các DNNN trong khi dày đặc cơ quan giám sát, bên cạnh trách nhiệm của hệ thống tổ chức quản lý như bộ, ngành, cơ quan chủ quản, hệ thống chính trị như các tổ chức đảng, công đoàn tại từng doanh nghiệp còn có nguyên nhân từ lãnh đạo, người quản lý trực tiếp doanh nghiệp, được giao thay mặt nhà nước quản lý vốn tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính còn là việc chưa minh bạch trong thông tin công bố.
Về khung pháp luật, hiện đã có những quy định cơ bản và mạch lạc nhưng qua như những vụ việc sai phạm tại Vinashin, Vinalines, các cơ quan thanh tra, điều tra đều có kết luận rõ ràng là sai phạm, những vụ thất thoát lớn đều do sự cố ý làm trái của cá nhân. "Họ biết việc làm đó pháp luật không cho phép, không được làm nhưng vì lợi ích cá nhân, vì lợi ích nhóm nên vẫn cố tình làm trái".
BKS tại DNNN do HĐQT lựa chọn bổ nhiệm, miễn nhiệm, phân công nhiệm vụ.
.
BKS không hoàn thành tốt chức năng là "điều dễ hiểu"
Có một điểm đáng lo ngại, theo ông Thịnh đó là quy định hiện tại không nêu rõ trách nhiệm mà BKS phải gánh chịu nếu như không làm tròn vai trò của mình. Theo đó, Luật Doanh nghiệp mới chỉ đưa ra các trách nhiệm nếu các thành viên BKS vi phạm các vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Chính vì vậy, khi có vấn đề xảy ra đối với các doanh nghiệp do HĐQT hoặc Tổng giám đốc gây ra thì gần như các công ty, cổ đông không xem xét đến trách nhiệm của BKS.
Hơn nữa, có vẻ như phần lớn các doanh nghiệp không xem trọng vai trò của BKS. Quan điểm của doanh nghiệp khi thành lập BKS là để tuân thủ pháp luật. Hoạt động của BKS phần lớn mang tính hình thức và chưa có thực chất. Do đó, doanh nghiệp không đầu tư, trang bị đầy đủ cho BKS thực hiện tốt chức năng giám sát của họ.
Tất nhiên, cũng phải thấy rằng, một lý do khác khiến BKS không làm tròn chức năng của họ là họ không có đủ nguồn nhân lực. Rất ít thành viên BKS làm việc toàn thời gian, phần lớn là làm việc bán thời gian, kiêm nhiệm thêm nhiều chức vụ khác ở nhiều tổ chức, công ty khác hoặc ngay chính công ty mà họ thành viên BKS. Cá biệt có doanh nghiệp có BKS chỉ gồm toàn các thành viên làm việc bán thời gian. Những người này thậm chí không quen biết nhau.
Trên thực tế, phần lớn các thành viên trong BKS chỉ gặp nhau định kỳ hàng quý hoặc thậm chí là ít hơn. Số lần đi kiểm tra các hoạt động của doanh nghiệp cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với số lượng người và cách làm việc như vậy thì việc đáp ứng các yêu cầu đặt ra đối với BKS là gần như không thể - ông Thịnh nhận xét.
Ngoại trừ ngân hàng, trong các lĩnh vực khác, BKS đều không có bộ máy giúp việc. Nếu như trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có quy định cụ thể về chức năng kiểm toán nội bộ độc lập trực thuộc BKS và báo cáo lên cho BKS thì trong các lĩnh vực khác, không có một quy định cụ thể về một bộ máy giúp việc cho BKS.
Kết hợp với việc phần lớn BKS chỉ làm việc bán thời gian thì việc BKS không thể hoàn thành tốt chức năng của mình là một điều dễ hiểu. Ngoài bộ máy giúp việc, BKS còn thiếu công cụ thu thập thông tin phục vụ chức năng giám sát. Họ không được trang bị một hệ thống thông tin quản lý đặc thù cho công việc giám sát.
Thông thường BKS chỉ dựa vào các báo cáo định kỳ của doanh nghiệp và chỉ tiếp cận được những thông tin chung mà doanh nghiệp cung cấp cho họ. Thậm chí, có khi những thông tin BKS được nhận cho mục đích công việc giám sát của họ cũng chính là những thông tin mà một cổ đông thông thường cũng có được. Do đó, việc này ít nhiều ảnh hưởng đến công việc của BKS.
Một vấn đề khác, theo thông lệ quốc tế, để thực hiện công tác giám sát hoạt động của doanh nghiệp, thường các thành viên trong BKS phải hỗ trợ nhau để đảm bảo có ít nhất 4 nhóm kỹ năng chính là: năng lực quản lý rủi ro, năng lực chuyên môn về kế toán kiểm toán, năng lực về hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp và năng lực giám sát sự tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam có một đội ngũ BKS hội đủ 4 yếu tố này.
Bích Diệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét