Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Khi mắc lỗi, nên tự đề nghị hình thức kỉ luật

Xin lỗi là điều đáng hoan nghênh nhưng sửa lỗi mới là điều quan trọng. Bởi nếu như xin lỗi chỉ để xin lỗi thì chưa đạt tới ý nghĩa cần có…
(Minh họa: Vũ Toản)
(Minh họa: Vũ Toản)
Có thể nói gần đây, việc một cá nhân, một tập thể nhận lỗi và xin lỗi nhân dân không còn là chuyện lạ. Đây là một tín hiệu đáng mừng của một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Khi mắc lỗi, có lỗi thì nhận lỗi, xin lỗi.
Thế nhưng dù nhận lỗi, xin lỗi là điều đáng hoan nghênh thì sửa lỗi mới là điều quan trọng. Bởi nếu như xin lỗi chỉ để xin lỗi thì chưa đạt tới ý nghĩa cần có.
Nhận lỗi là quý, thành thật sửa lỗi còn đáng quý hơn. Đành rằng, bất cứ một tập thể hay cá nhân nào dù sáng suốt đến đâu cũng khó tránh khỏi những lỗi lầm. Thế nhưng ở vị trí càng cao, một sai lầm dù rất nhỏ cũng có những ảnh hưởng không hề nhỏ. Một quyết định sai lầm có thể khiến bao gia đình khốn khó, lao đao, thậm chí có thể dẫn đến sụp đổ cả một nền kinh tế, nguy hại đến quốc gia, dân tộc…
Do đó, càng có chức vụ cao thì càng phải cẩn trọng để tránh những lỗi lầm dù nhỏ nhất.
Tuy nhiên, có những “lỗi” có thể “xin” nhưng có những lỗi thì không thể. Đối với những lỗi lầm nhỏ, ngoài ý muốn và tầm ảnh hưởng không lớn thì có thể thể tất. Nhưng với những lỗi lầm có tác động lớn đến xã hội, dù không cố ý, thì không thể chỉ “xin lỗi” mà nên tự đề nghị để được nhận hình thức kỉ luật tương xứng.
Đất nước, nhân dân không chỉ mong muốn các vị lãnh đạo nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi mà mong muốn hơn là không để xảy ra những lỗi lầm lớn đến mức không thể xin lỗi.
Vấn đề ở đây là vì sao lại để xảy ra tình trạng như trên và các vị có trách nhiệm sẽ hành xử như thế nào đối với những “lỗi” khá nghiêm trọng này? Rồi câu hỏi “một bộ phận không nhỏ” có những sai phạm cụ thể như thế nào, là những ai cũng nên được nêu rõ như mong muốn của cử tri đã nhiều lần đề đạt với các vị đại biểu Quốc hội.
Dù nhân hậu, bao dung nhưng nhân dân luôn mong muốn các vị có trách nhiệm khi thấy có lỗi thì tự đề nghị được nhận một hình thức kỉ luật tương xứng.
Theo Bùi Hoàng Tám

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Đại gia trả giá vì quản trị DN be bét

Ngay cả những DN lớn của những doanh nhân nổi tiếng thì tình hình quản trị công ty đều ở mức rất thấp. Tình trạng coi thường quản trị, coi thường rủi ro, coi thường cổ đông… khiến các DN phải trả giá đau đớn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lại sa sút và kém dẫn trong nhiều năm qua.

Đánh giá thực trạng quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng thẳng thắn thừa nhận sự yếu kém.

Theo người đứng đầu cơ quản quản lý TTCK này, việc công bố thông tin của các DN niêm yết còn rất yếu. Những văn bản quan trọng như Nghị quyết Đại hội cổ đông, biên bản HĐQT… được các doanh nghiệp công bố rất chậm. Trong khi những thông tin không quan trọng lại công bố rất nhanh.


Theo đánh giá của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), điểm số quản trị trung bình của 100 công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất trên 2 sàn năm 2011 giảm khá mạnh so với năm trước đó và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong mạnh trong đợt đánh giá trong năm tới cho dù tình hình quản trị công ty của các doanh nghiệp trên TTCK đã ở mức rất thấp so với khu vực.


Kết quả đánh giá của dự án đưa ra hôm 22/11 cho thấy, điểm số chung tình hình quản trị công ty tại Việt Nam năm 2011 chỉ còn 42,5% (trên thang điểm 100%), thấp hơn mức 44,7% trong năm 2010, và tiếp tục cách rất xa mức trên 70% mà Thái Lan và Phillipines đạt được từ cách đây 5-6 năm.


Theo bà Anne Molyneux, tư vấn của IFC, nếu như đánh giá theo như cách chấm điểm ở trường đại học, thì mức điểm nói trên là “trượt” và “chưa đủ”.


Nếu tính trường hợp thấp nhất (trong số 100 DN được lựa chọn) thì điểm còn tệ hại hơn nhiều, chỉ vỏn vẹn 17,4%.


Trong 5 khía cạnh đánh giá, điểm cho tiêu chí vai trò của các bên có quyền lợi liên quan thấp nhất với chỉ 22,7% (trên thang 100%). Đó là mức trung bình, còn điểm thấp nhất cho tiêu chí này, có doanh nghiệp chỉ đạt 6,3%.


Tiêu chí trách nhiệm của HĐQT cũng rất thấp, chỉ đạt 35,9%. Đây là một tiêu chí rất quan trọng, và theo thông lệ ở nhiều nước, nó chiếm trọng số cao hơn rất nhiều so với tại Việt
Nam, với khoảng 40% ảnh hưởng.

Ngành tài chính (theo sắp xếp của IFC bao gồm ngân hàng, BĐS, dịch vụ tài chính khác) vốn nổi tiếng với các quy định quản trị nghiêm ngặt cũng có một kết quả đáng buồn là 43%. Trong đó, có ngân hàng điểm quản trị chỉ được có 27,1% - một con số mà theo bà Phạm Liên Anh, cán bộ trường trình, là một mức quá kém.


Trên thực tế, kết quả “đi xuống” của các điểm số chung, điểm số của các doanh nghiệp lớn, của các ngành… một phần do tình trạng quản trị của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, một phần do nhiều sai phạm về quản trị được phát hiện và xử phạt trong năm qua… đã khiến đánh giá phản ánh được đúng hơn thực trạng quản trị của các DN niêm yết.


Quản trị yếu kém là do rất nhiều vấn đề, trong đó có việc thiếu giám sát tài chính và thiếu cam kết của HĐQT. Giao dịch của các thành viên HĐQT, cũng như những người, những công ty có liên quan chưa được minh bạch. Trong các công ty gia đình, công ty có vốn Nhà nước, thì giao dịch của các bên liên quan là rất quan trọng nhưng thông tin chưa đến được với các nhà đầu tư kịp thời.


Bên cạnh đó, còn là vấn đề sở hữu chéo, HĐQT không đóng đủ, thậm chí không hiểu rõ vai trò của mình; hoạt động kế toán kém, kể cả gian dối; tình trạng cắt giảm chi phí (trong đó có chi phí quản trị) trong thời buổi khó khăn.


Với những sai phạm và những vụ việc xảy ra đối với Ngân hàng ACB, Ngân hàng Sacombank… trong thời gian vừa qua, một số chuyên gia cho rằng, điểm số quản trị trung bình năm 2012 được dự báo sẽ tiếp tục giảm cho dù đã ở mức rất thấp so với khu vực. Các sự kiện tại ACB, STB… sẽ được tính vào kỳ chấm điểm tới và các yêu cầu chấm điểm đối với các doanh nghiệp sẽ cao hơn.


Việc công bố các điểm số thấp có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK vốn đang rất ảm đạm. Các nhà đầu tư có thể sẽ xa lánh các doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết để cho thị trường phát triển bền vững về dài hạn.


Theo Vef.vn

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Haprosimex: Thua lỗ trầm trọng, lãnh đạo vẫn…vô can


(Thanh tra)- Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội được thành lập năm 1993, đến năm 2010 được chuyển thành Công ty TNHH một thành viên Haprosimex (Cty Haprosimex) hoạt động theo mô hình 1 Cty mẹ có 7 Cty con và 2 Cty liên doanh với trên 600 lao động, vốn chủ sở hữu gần 149 tỷ đồng, kinh doanh trên 32 loại ngành nghề. Sau gần 20 năm hoạt động, Haprosimex chẳng những cụt vốn mà số nợ ngân hàng lên gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu.

Không xử lý trách nhiệm của người đứng đầu

Qua kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp, Nhà máy Nước Nguyên Khê, Xí nghiệp Mũ xuất khẩu và một số hoạt động sản xuất kinh doanh khác cho thấy, Cty Haprosimex đã dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư trung, dài hạn. Vốn kinh doanh không có. Mọi hoạt động kinh doanh của Văn phòng Cty, Xí nghiệp Mũ xuất khẩu, Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp chủ yếu là vốn vay của các tổ chức tín dụng và vốn chiếm dụng của các đơn vị khác, dẫn đến hoạt động của Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp hiệu quả thấp, công suất đạt 20 - 25%, nhiều loại tài sản không đưa vào sử dụng.

Từ năm 2007 đến tháng 11/2010, Cty Haprosimex lỗ trên 121 tỷ đồng, dư nợ các tổ chức tín dụng trên 541 tỷ đồng không có khả năng thanh toán. Tình hình tài chính hết sức báo động. Hậu quả đó đã được Thanh tra TP Hà Nội xác nhận.

Tổng Giám đốc Haprosimex Nguyễn Cự Tẩm cho biết, ông phải kiêm nhiệm luôn vị trí Giám đốc Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp để trực tiếp đôn đốc chỉ đạo kinh doanh. Từ năm 2011 đến nay, Cty đã giảm 50% số lỗ so với năm 2010. Hiện Haprosimex còn nợ ngân hàng 350 tỷ đồng.

Cty Haprosimex được TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư 2 dự án (D.A) lớn: D.A tổ hợp công trình nhà ở, căn hộ cao cấp và văn phòng làm việc tại 88 Láng Hạ, Hà Nội trên diện tích 8.219,3m 2 đất và D.A tại 9A/233 Xuân Thủy, Hà Nội trên diện tích 6.465m2. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do không đủ năng lực về tài chính và năng lực về quản lý xây dựng D.A nên Cty đã thực hiện bằng hình thức hợp đồng, hợp tác kinh doanh với các đối tác: Cty TNHH Hanotex và Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng Lâm Viên (Lavico) trực tiếp thực hiện đầu tư xây dựng theo hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất và quyền thuê đất hiện có để được hưởng lợi 20 tỷ đồng của 2 D.A nói trên.



Theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, thực chất Cty Haprosimex đã chuyển nhượng D.A ngay từ khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Việc chuyển nhượng này vi phạm các quy định của pháp luật tại Thông tư số 13/2008/TT-BXD ngày 21/5/2008 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thi hành Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ quy định về việc chuyển nhượng bất động sản và vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc chuyển nhượng 2 D.A nói trên đã được TP Hà Nội chấp thuận cho chuyển đổi chủ đầu tư từ Cty Haprosimex sang Cty Lavico và Cty TNHH Hanotex.

Từ năm 2011 đến nay, Thanh tra TP Hà Nội đã thực hiện 2 cuộc thanh tra tại Cty Haprosimex, xem xét toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý nhà đất và xác định giá trị chuyển nhượng 2 D.A nói trên. Qua đó, kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Cty Haprosimex tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với tập thể và cá nhân có liên quan trực tiếp các vi phạm dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài cũng như việc chuyển nhượng trái pháp luật 2 D.A.

Thế nhưng, cho đến thời điểm này, chưa một ai trong ban lãnh đạo của Cty Haprosimex bị kỷ luật. Điều không bình thường này đã gây bất bình trong quần chúng cán bộ Cty.

Bán cả nhà máy mới trả hết nợ

Sự đổ bể của Cty Haprosimex khó cứu vãn bởi số nợ lớn hơn nhiều số vốn tự có. Việc xây dựng D.A Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp, Nhà máy Nước Nguyên Khê, Cty đã báo cáo UBND TP xin khoanh nợ, giãn nợ và đề nghị bổ sung vốn kinh doanh nhưng không được chấp thuận. Cty Haprosimex tiếp tục xin UBND TP được thoái vốn 33 tỷ đồng tại liên doanh Cty TNHH Haprosimex - Moca và xin phép Sở Tài chính Hà Nội phối hợp với các ngân hàng để gọi vốn đầu tư vào Nhà máy Dệt kim Ninh Hiệp. Nếu bán toàn bộ nhà máy thì các khoản nợ ngân hàng sẽ được trả hết.

Để củng cố lại bộ máy điều hành kém hiệu quả lâu nay, Cty đề nghị UBND TP Hà Nội ra quyết định nghỉ hưu đối với ông Vũ Tuấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cty đã được UBND TP Hà Nội cho phép nghỉ quản lý điều hành từ đầu năm 2012. Đồng thời, đề nghị UBND TP xem xét ông Nguyễn Minh Tuấn thôi giữ chức Phó Tổng Giám đốc để chuyển công tác khác. Cty Haprosimex đề nghị Sở Nội vụ Hà Nội bổ nhiệm bà Lê Tuyết Mai, Chủ tịch Công đoàn Haprosimex, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH Haprosimex - Moca làm thành viên Hội đồng Thành viên; đề nghị bổ nhiệm lại ông Vũ Văn Hải, Giám đốc Chi nhánh Haprosimex Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Cty; bà Trần Thị Thanh Hường, Trưởng phòng Kế toán Thống kê Haprosimex vào vị trí Kế toán trưởng Cty.

Những đề nghị về cải tổ nhân sự trên đây chưa được UBND TP Hà Nội xem xét. Hiện tại, trong nội bộ Cty hết sức bất bình khi những người đứng đầu cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về hoạt động quản lý đầu tư, kinh doanh cụt vốn, thua lỗ triền miên, nhưng chưa bị xử lý. Thiệt hại đó ai sẽ chịu trách nhiệm? Câu hỏi này xin gửi tới UBND TP Hà Nội.

Thế Lữ

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Lời nói suông không lọt được tai dân !

(Dân trí) - Lời nói không đi đôi với việc làm không có cơ hội để tồn tại. Hãy hành động và tạo ra giá trị. Người làm lãnh đạo ở mọi vị trí xã hội chỉ thực sự có giá trị khi chính họ tạo ra được giá trị cho đất nước.
 (Đại biểu Dương Trung Quốc)
 (Đại biểu Dương Trung Quốc)

Người dân quan tâm theo dõi kỳ họp của Quốc hội, đặc biệt là những phiên chất vấn, chứng tỏ chất lượng của dân trí và nhận thức về dân chủ ngày càng cao. Không khí chính trị của đất nước thực sự lành mạnh một khi có sự tham gia một cách tự giác và tự do của dân chúng. Sự tham gia đó được thể hiện bằng cách thông qua đại diện của dân trước nghị trường và đặc biệt là ý kiến đóng góp, phản biện của dân thông qua dư luận, báo chí.

Đại biểu Dương Trung Quốc đặt ra một vấn đề dân rất ưng bụng, đó là các vị lãnh đạo ở mọi vị trí xã hội đừng nói lời xin lỗi nữa, mà hãy có hành động cụ thể hơn, hãy từ chức nếu như làm không được việc. Quá đúng, từ trước đến nay, lời xin lỗi được đưa ra rất nhiều, có khi bị lạm dụng. Ban đầu dân còn chia sẻ, nhưng nghe hoài cũng nhàm tai. Lời xin lỗi của các vị phải đi liền với sửa đổi, phục vụ nhân dân tốt hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội, tạo ra thành quả cho đất nước. Nếu không thì lời xin lỗi của các vị chẳng có ý nghĩa gì.

Dư luận đánh giá cao phát biểu chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc. Vấn đề ông Quốc đặt ra nghiêm túc, đúng tâm tư nguyện vọng của dân. Sự quyết liệt đoạn tuyệt với lời xin lỗi là để hướng đến hành động và trách nhiệm trước pháp luật. Những người đang giữ các cương vị lãnh đạo trong hệ thống chính quyền chắc chắn chia sẻ được với điều mà vị đại biểu này đặt ra, để sắp tới, sẽ không còn những lời xin lỗi chung chung. Dân chúng đón nhận một luồng sinh khí mới từ bộ máy công quyền, đó là chỉ có những con người sẵn sàng hành động và dám chịu trách nhiệm.

Lịch sử ghi lại nhiều vị quan cởi ấn từ quan, Chu Văn An, Nguyễn Trãi là những bậc hiền tài có nhân cách như vậy. Dâng “Thất trảm sớ” can vua chém đầu nịnh thần không được là từ quan, tự thấy mình không đủ sức gánh vác việc nước là từ quan. Với những con người này, làm quan là trọng trách, là hy sinh, không phải vì danh lợi. Là nhà sử học, đại biểu Dương Trung Quốc đưa dẫn chứng: “Đảng ta từng có một vị Tổng bí thư, người có công lớn trong Cách mạng Tháng 8-1945, sau khi nhận trách nhiệm chính trị về những sai lầm trong Cải cách ruộng đất 1956 đã từ chức và tiếp tục phấn đấu để rồi ba thập kỷ sau trở lại với cương vị Tổng bí thư, kịp góp phần khởi động công cuộc Đổi mới trước khi từ trần”. Những nhân cách lớn đó là những tấm gương sáng cho hôm nay.

Tiếc rằng, trên thực tế vẫn diễn ra “văn hóa chạy chức” nhiều hơn văn hóa từ chức. Nhiều diễn đàn, hội thảo nêu tệ nạn này nhưng chưa hạn chế được. Đặt vấn đề về văn hóa từ chức của các vị cán bộ có chức quyền lúc này tuy muộn mằn nhưng còn hơn không, bởi vì lời nói suông không lọt được tai dân. Với thời đại thông tin ngày nay, con người dễ dàng xác định chân giá trị của cuộc sống. Mọi lời nói không đi đôi với việc làm không có cơ hội để tồn tại. Cho nên, hãy hành động và tạo ra giá trị. Những người có chức quyền chỉ thực sự có giá trị khi chính họ tạo ra được giá trị cho đất nước. Chí ít, hành động từ chức cũng là một giá trị.

Lê Chân Nhân

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Chỉ cần xin lỗi là thoát tội

Bongbvth - Hàng loạt sự kiện gần đây cho thấy, ở Việt Nam có những lời “xin lỗi” đáng giá “tỉ vàng triệu ngọc”. Đó là lời xin lỗi phát ra từ "môi lưỡi đầy quyền lực” của các quan chức, các vị lãnh đạo. Có những vụ việc đã rõ “thanh thiên bạch nhật”, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho quốc gia, gây nên thiệt hại nặng nề cho cả nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng lớn đến uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhưng chỉ cần đằng hắng, dụi mắt, liếm môi cố nói ra hai từ “xin-lỗi”, thế là coi như mọi sự được nhanh chóng lướt qua, đủ giấy thông hành như lệnh bài vua ban ngày xưa  để được vô can, ra cửa có thể cười tự tin như mới thoát chết đuối vớ được tàu cánh ngầm loại tốc lực lớn siêu hạng rước đi. 

Hôm qua, 8-11, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, Gs. Đặng Hùng Võ, tình huống đã đến mức buộc phải vạch râu, nhếch mép nói với bà con Văn Giang hai từ “xin-lỗi”. Làm lãnh đạo sướng ở chỗ đó. Đối với họ, từ hiến pháp cho đến pháp luật, rồi cả cái mớ dưới luật như nghị định, thông tư, chỉ thị…chỉ cần hai chữ “xin-lỗi” mà thôi. 

Thảo nào, người ta cứ ráng sức, ráng công, ráng tiền, ráng quỳ lụy, chạy chọt, đủ mọi thứ ráng…miễn là được làm lãnh đạo. Cứ làm bừa, làm liều, làm ẩu, lách luật, bơ pháp luật đi, gây ra những cảnh dân tình đói khổ, kêu oan gọi khốc, đánh nhau rối loạn, chết chóc, nhưng khi cần chỉ lựa lúc lựa chiều đưa cái thứ “hiến-luật pháp” ngắn gọn, loại “bìa X”  chỉ có hai từ “xin-lỗi”, thế là xong, ngon ơ, tỉnh bơ, tiếp tục “giương cao ngọn cờ”...

Người ta cũng nói nhiều đến “lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng chỗ hở của pháp luật, lợi dụng lòng tốt…”. Thế nên, lợi dụng lòng tốt của nhân dân, lòng vị tha, dễ cho qua, không đánh “kẻ chạy lại”, các vị quan quyền của ta được nương nhờ vào lòng tốt ấy của người dân Việt, nên được thể làm liều. Vậy mà nhiều kẻ không thấu hiểu điều đó, khỏi vòng cong đuôi, qua cầu rút ván, hết nạn lại "lấy tiểu nhân đáp lại lòng nhân", lo trả thù.

Dân ta vốn hiền lành chất phác, giàu dức hy sinh, giàu lòng vị tha vậy, sao mà các vị quan tham, các đại gia còn chứa trọng bụng đầy chất lưu manh lừa đảo lại nỡ đi cướp đất của dân, lại nỡ bắt bớ, đánh đập, trấn áp với  nhân dân để họ ngán sợ phải ngậm miệng chịu mất đất mất nhà, để rồi hí hửng "sạch sành sanh vét cho đầy túi tham?".  Chỉ cần xin lỗi dân là thoát tội, lại còn được vỗ tay, lại đỡ tốn dung lượng, trang in của báo mạng, báo viết, thời lượng phát sóng, thế mà nhiều vị còn ngã giá kia đấy, không dễ dàng nói lời xin lỗi đâu, ấm ớ chờ dịp nếu đến mức thấy quá cần thiết mới tung chiêu "xin lỗi". Lời xin lỗi của các "quan phạm" quả là quý báu biết bao (?!).

(BVB)

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Doanh nghiệp chết vì 'nền kinh tế 1 đôla'

Một đôi giày hiệu có giá bán cỡ vài triệu nhưng thật ra giá gia công tại Việt Nam chỉ khoảng 1 đôla. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế tạo ra giá trị gia tăng cực thấp. Thế mà các doanh nghiệp gia công ở Việt Nam đã mừng rơn rồi vì có đơn hàng để có việc làm cho công nhân. Trong khi đó khâu thiết kế sản phẩm, sáng tạo mẫu mã, thương hiệu thì các hãng nước ngoài đã lấy hết lợi nhuận.

Doanh nghiệp chưa bao giờ chết nhiều như 2 năm qua

Nhiều đại gia giàu sụ trong nước chủ yếu dựa trên khai thác tài nguyên đất đai, thiên nhiên khoáng sản, lấy nguyên liệu thô xuất khẩu đến cạn kiệt nhanh chóng hết dành cho thế hệ con cháu mai sau. Nhiều doanh nghiệp chết vì nợ nần do chạy theo những giá trị ảo và không gượng dậy được khi bong bóng xì hơi.

Buồn hơn là những khâu gia công các mặt hàng công nghệ cao như điện tử cao cấp gia dụng, điện toán đã chuyển dịch hết ra các quốc gia khác như Trung Quốc và gần đây nhất là Indonesia, và sắp tới có thể là Myanmar.
 
Về lĩnh vực phần mềm chất xám đúng nghĩa thì Việt Nam cũng loay hoay gia công cho người ta từng module, là những mảng đòi hỏi tính tỉ mỉ, tốn thời gian nhiều và nhân lực số đông. Còn khâu sáng tạo, tận dụng đầu óc, trí thông minh thì chưa tạo ra nhiều sản phẩm nội địa cho Việt Nam.

Thập niên 90, chiếc xe máy Dream Thái đã thống lĩnh trong tâm trí người tiêu dùng Việt vì nó hiện đại, đẹp. Và giờ đây Thái Lan đã vươn lên thêm đỉnh cao mới cao hơn, trong khi công nghiệp ôtô của VN đang lao đao. Mua một ô tô nhập khẩu từ Thái Lan đảm bảo là hơn hẳn xe nội địa về chất lượng, độ bền, tin cậy cao.

Văn hóa kinh doanh, văn minh doanh nghiệp của Việt Nam cũng chưa được đề cao. Luật thương mại chưa được tôn trọng trong làm ăn, chỉ theo cách nghĩ chủ quan kiểu cũ, quen biết bao biện cho nhau, để rồi mất hết cả niềm tin của khách hàng, đối tác...

Khi nào các doanh nghiệp đại gia trong nước tiến tới cạnh tranh được với thị trường khu vực gần gần như Asian? Cạnh tranh được với Thái Lan sát nách thôi thì cũng đủ mừng rồi. Nhưng cái này chắc là phải chờ đến vài chục năm nữa với kế sách đột phá dữ dằn mới mong hi vọng.

Theo Nguyen Tran (VNE)

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

“Quản trị tốt còn xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam”

“Quản trị doanh nghiệp tốt còn xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam. Văn hóa ngại minh bạch dẫn đến tâm lý che đậy, không muốn chia sẻ ra bên ngoài xuất phát từ thực tế công khai thông tin chưa thu được lợi ích gì mà thậm chí lại còn gặp rủi ro” - đó là nhận định của ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương tại Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị” do Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức ngày 1/11, tại Hà Nội.

Quyền lực "ba trong một"


Theo thông tư 121/2012/TT-BTC quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị cần đảm bảo sự cân đối giữa các thành viên kiêm điều hành và các thành viên không điều hành, trong đó tối thiểu một phần ba (1/3) tổng số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên không điều hành.


Theo bà Anne Molyneux - chuyên gia tư vấn đến từ IFC, chức năng của thành viên Hội đồng quản trị độc lập là tạo ra sự đối trọng với các cổ đông lớn trong Hội đồng quản trị đồng thời mang đến một góc nhìn từ bên ngoài về chiến lược, kiểm soát và khách quan trong việc "lắng nghe" những ý kiến của ban lãnh đạo công ty...


Tuy nhiên, trên thực tế để tìm kiếm thành viên Hội đồng quản trị độc lập để đảm bảo cho những yêu cầu đặt ra lại không dễ dàng.


Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, tính độc lập lại phụ thuộc vào tư duy, đạo đức và hành xử độc lập mỗi cá nhân. Theo vị chuyên gia này, tình trạng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay để kiểm soát được tính độc lập là rất khó, bởi cổ đông nhỏ thường “bị đẩy ra rìa”, quyền lực tập trung vào cổ đông lớn theo hình thức "ba trong một," nghĩa là cổ đông lớn vừa tự bầu mình vào Hội đồng quản trị và Ban giám đốc.


“Ban kiểm soát lại do nhóm cổ đông lớn chỉ định và thường là cấp dưới nên không thể hiện được tính độc lập, mang tính hình thức mà thôi. Địa vị của các Ban kiểm soát luôn bị xem nhẹ và phần lớn là không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhiều nơi, kiểm soát viên trở thành người ‘đóng dấu’ cho Hội đồng cổ đông trong các trường hợp cần thiết ” ông Cung nói.


Theo ý kiến của các chuyên gia, một doanh nghiệp quản trị tốt là phải công khai, minh bạch, thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình đồng thời chuyên nghiệp và độc lập.


Song nhiều thập kỷ nay, môi trường kinh doanh bên ngoài xã hội lại chưa ủng hộ và khuyến khích công khai minh bạch, theo đó doanh nghiệp cũng chưa nhận thấy những lợi ích cũng như chưa có sự đảm bảo công bằng từ sự minh bạch.


“Thật thà thì thua thiệt, đó là triết lý được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Đây cũng chính là nhân tố cản trở hiệu quả trong quản trị công ty tại Việt Nam,” ông Cung nhấn mạnh.


Cần cơ chế đánh giá và giám sát


Theo các chuyên gia, những sự kiện bê bối gần đây xảy ra ở Tập đoàn Vinashin, Tập đoàn Vinalines hay những sai phạm của ông Nguyễn Đức Kiên và các cộng sự trong lĩnh vực ngân là những biểu hiện thất bại về quản trị công ty, tạo ra sự méo mó về phân bổ nguồn lực và làm đảo lộn hệ thống giá trị trong xã hội.


Ông Warapatr Todhannakasem, chuyên gia kinh tế đến từ Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan cho biết, quốc gia này đã phải trả một bài học đắt giá về sự lỏng lẻo trong quản trị công ty bằng cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.


“Một thời gian dài, tại các cuộc họp Hội đồng quản trị định kỳ hàng năm, đầu giờ các thành viên tham dự tiệc trà và trao đổi các câu chuyện xã hội, sau đó nghe Ban điều hành báo cáo khoảng 30 phút. Cuối cùng, kết thúc là cuộc trao đổi là những bữa tiệc ngoài nhà hàng và các thành viên ra về thì được nhận cổ phiếu thưởng… cuộc sống vương giả đó giờ đây đã không còn,” Ông Warapatr nói.


Thế nhưng, từ sau năm 1997 Thái Lan đã xây dựng nhiều đạo luật hà khắc và chặt chẽ với những biện pháp trừng phạt và yêu cầu trách nhiệm từ các Hội đồng quản trị. Ban kiểm toán và Ban lương thưởng được lập ra, với các thành viên là những người được tuyển dụng độc lập. Nhờ đó, tình hình quản trị của các doanh nghiệp đã được cải thiện.


Từ ví dụ cụ thể trên, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã lớn lên về lượng thì sẽ phải thay đổi về chất, nếu không sẽ không thể cạnh tranh và phát triển được. "Đã đến lúc phải thay đổi, thiết lập một nền móng vững chắc cho quản trị công ty theo thông lệ và trước hết phải xuất phát từ hệ thống doanh nghiệp nhà nước," một chuyên gia nhấn mạnh.


Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra, hệ thống luật của Việt Nam hiện vẫn chưa có chế tài xử phạt các công ty đại chúng không thực hiện quy định về cơ cấu thành viên độc lập trong hội đồng quản trị, cũng như các giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy Ban kiểm soát thực hiện đúng chức năng và nghĩa vụ của nó.


Vì vậy, ông David Robinett - chuyên gia cao cấp về quản trị doanh nghiệp tại Ngân hàng Thế giới cho rằng, để có một cơ chế quản trị hiệu quả thì song hành với nó phải là việc đánh giá Hội đồng quản trị. Hiện nay trên thế giới áp dụng các loại hình đánh giá bao gồm, tự đánh giá, đánh giá có sự trợ giúp của chuyên gia, đánh giá chung Hội đồng quản trị và đánh giá từng thành viên Hội đồng quản trị.


Bên cạnh đó, ông Cung cũng cho biết, tới đây khi đề xuất Luật Doanh nghiệp sửa đổi, cơ quan này dự kiến cũng sẽ trình về việc tăng tính chuyên trách, tăng thể chế nhằm đảm bảo vai trò của Hội đồng quản trị.


"Với sự lu mờ của Ban kiểm soát như hiện nay, tới đây nếu Hội đồng quản trị đã có thành viên độc lập thì không cần duy trì Ban kiểm soát nữa và tổ chức nó trở thành cấp dưới của Hội đồng quản trị, như vậy sẽ tăng cường vai trò của thành viên Hội đồng quản trị độc lập và thành viên Hội đồng quản trị không điều hành,” ông Cung nói./.


Linh Chi (Vietnam+)

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

GIÁ TRỊ CỦA LỜI PHÊ BÌNH

Thực chất những lời phê bình là thông tin phản hồi về những việc làm của mình, nhưng tác dụng của nó phụ thuộc vào cách phản ứng của mình trước những thông tin đó. Để có thể thành tâm tiếp nhận lời phê bình, điều trước tiên cần làm là vượt qua lòng tự ái và tính sĩ diện của bản thân. “Nhân vô thập toàn”, không có ai là người “mười phân vẹn mười”, cho dù là thánh nhân. Kiểm soát tốt bản thân để có thể suy xét sáng suốt về tính chính đáng của lời phê trên tinh thần “đãi cát tìm vàng”, coi lời phê là thông tin quý giá giúp mình hoàn thiện bản thân. Nếu làm được như vậy, thì đó là cơ hội để hoàn thiện bản thân và cùng nhau giải quyết vấn đề.
Ngạn ngữ có câu “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Muốn không ngừng hoàn thiện bản thân và sớm thành công, cần phải có thái độ đúng mực với những lời phê bình, trên tinh thần xem ‘người chê ta đúng là thầy ta”, cho dù lời phê đó có nhất thời làm ta đau tới múc nào. Không nên có thái độ phòng vệ quá mức, mà trước tiên là phải điềm tĩnh lắng nghe và nghiêm túc kiểm nghiệm lại bản thân mình. Mare Aurèle cho rằng: “Nếu ai có thể chứng minh rằng tôi sai, tôi sung sướng sửa lỗi, vì tôi tìm chân lý”. Nếu sự thể quá căng thẳng, nên hoãn lại việc tranh luận đúng sai, để bình tâm suy xét lại lời phê bình rồi tìm cách ứng xử đúng mức.
Cần tránh cách hành xử không hợp lý như: bỏ ngoài tai, né tránh việc cân nhắc tính chính đáng của lời phê, tự ái, ăn miếng trả miếng theo kiểu chỉ trích lại cái sai của người phê bình, hoặc nản chí, buông xui vấn đề. Thay vào đó cần thành tâm tự đặt ra các câu hỏi cần thiết: Trong việc này, mình có gì sai sót, hạn chế? Những hạn chế đó xuất phát từ đâu? Làm thế nào để khắc phục và cải thiện tình thế?  
(Nguồn: tam-sang.com)

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Ban kiểm soát phải 'đấu' với lãnh đạo doanh nghiệp

Ban kiểm soát cần “nói ngược” với Hội đồng quản trị, chỉ ra sai phạm pháp luật và điều lệ công ty của ban lãnh đạo, chứ không thể “dễ bảo” như thường thấy.

Có hiệu lực từ ngày 17/9/2012, một quy định mới lần đầu tiên buộc ban kiểm soát phải là đối trọng, phải “đấu” với ban lãnh đạo doanh nghiệp, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và cổ đông, thay vì là “cánh tay nối dài” của ban lãnh đạo doanh nghiệp như thường thấy.

Là người do đại hội cổ đông bầu ra, nhằm thực thi các nhiệm vụ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và cổ đông, nhưng ban kiểm soát, theo đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đang thể hiện vai trò khá mờ nhạt.

Theo thông lệ về quản trị công ty, để hoàn thành nhiệm vụ, cũng như phát huy đúng vị trí của mình, ban kiểm soát phải dám “nói ngược” với Hội đồng quản trị, ban giám đốc doanh nghiệp về những hành vi vi phạm pháp luật và điều lệ công ty của ban lãnh đạo doanh nghiệp, chứ không thể là người “dễ bảo” như thường thấy.

Ông Cung còn cho rằng, đang có sự nhầm lẫn ngay từ trong nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như của chính những người làm trong ban kiểm soát về vai trò, vị trí của ban kiểm soát. Lãnh đạo doanh nghiệp không biết vô tình hay hữu ý quên rằng ban kiểm soát có nhiệm vụ giám sát hoạt động của Hội đồng quản trị, mà coi đó như một phòng, ban trong doanh nghiệp. Trong khi đó, ban kiểm soát lại có tâm lý coi mình được ông chủ doanh nghiệp cất nhắc, nên giống như “cánh tay nối dài” của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

“Ban kiểm soát phải gồm những "người hay cãi", dám đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm điều lệ công ty của ban lãnh đạo doanh nghiệp, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, cổ đông...”, ông Cung nhấn mạnh.

Vì những hạn chế trong hoạt động mà tại không ít kỳ đại hội cổ đông của các công ty đại chúng, nhất là doanh nghiệp niêm yết, ban kiểm soát thường bị cổ đông chất vấn về những sai sót, thậm chí là vi phạm của Hội đồng quản trị, ban giám đốc đã không được thể hiện rõ trong báo cáo hoạt động của ban kiểm soát. Các cổ đông không giấu được sự thất vọng, thậm chí bức xúc vì hoạt động còn nặng hình thức của ban này.

Tuy nhiên, quy định mới sẽ buộc ban kiểm soát phải ra mặt “đấu” với ban lãnh đạo doanh nghiệp. Cụ thể, tại Thông tư 121/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng, có hiệu lực từ ngày 17/9/2012 có quy định, trường hợp ban kiểm soát phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty của các thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) điều hành và các cán bộ quản lý khác, ban kiểm soát phải thông báo bằng văn bản với Hội đồng quản trị trong vòng 48 giờ, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả. Sau 7 ngày kể từ ngày ra thông báo trên, nếu người có hành vi vi phạm không chấm dứt vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả, ban kiểm soát có trách nhiệm báo cáo trực tiếp với Ủy ban chứng khoán.

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn VFAM Việt Nam nhìn nhận, quy định mới trao quyền nhiều hơn cho ban kiểm soát để đảm đương nhiệm vụ giám sát Hội đồng quản trị, ban giám đốc doanh nghiệp hiệu quả hơn. “Tuy nhiên, giữa quy định với thực tiễn, bao giờ cũng tồn tại một khoảng cách, nên còn quá sớm để lạc quan rằng tình trạng hoạt động còn mang tính hình thức của ban kiểm soát tại không ít doanh nghiệp sẽ sớm được cải thiện…”, ông Tiền nói.

Cũng nhìn nhận quy định mới sẽ có tác động tích cực đến chất lượng hoạt động của ban kiểm soát, nhưng ông Cung có hai mối quan ngại.

Thứ nhất, Thông tư 121 quy định, sau khi yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả, mà họ không chấp hành, thì ban kiểm soát có trách nhiệm báo cáo trực tiếp với Ủy ban chứng khoán. Quy định như vậy là chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng, bởi sau khi báo cáo Ủy ban chứng khoán, thì cơ quan này giải quyết ra sao, kết quả xử lý được thông báo tới ban lãnh đạo doanh nghiệp hay ban kiểm soát? Chưa kể, ban kiểm soát là do đại hội cổ đông bầu ra, vậy thì ngoài báo cáo Ủy ban chứng khoán với tư cách là đơn vị giám sát công ty đại chúng, tại sao Thông tư 121 bỏ qua quy định rất quan trọng là buộc ban kiểm soát phải báo cáo đại hội cổ đông?

Thứ hai, ngoài công cụ báo cáo cơ quan quản lý, kinh nghiệm thực tế cho thấy, công cụ công khai thông tin sai phạm của ban lãnh đạo doanh nghiệp tới cổ đông, trên các phương tiện thông tin đại chúng, sẽ tạo sức ép buộc ban lãnh đạo doanh nghiệp khắc phục hậu quả do hành vi sai phạm gây ra. Thế nhưng, Thông tư 121 mới chỉ quy định về công cụ báo cáo Ủy ban chứng khoán, mà “quên” công cụ công khai thông tin, một quyền lực của ban kiểm soát trong hoạt động giám sát ban lãnh đạo doanh nghiệp. 

(Đầu tư chứng khoán)

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

LÒNG TỰ TRỌNG

Hôm qua tới giờ nghe nhiều về lòng tự trọng.

Vốn dĩ nó là một vấn đề hết sức bình thường, ai cũng phải có. Phàm là một người bình thường với một gia đình bình thường trong một nền giáo dục bình thường thì lòng tự trọng của mỗi người nó đương nhiên như mở mắt ra là sẽ gặp bình minh vậy...


Vậy mà hôm qua mấy ông quan Tiên Lãng bị bắt.

Bị bắt thì cũng bình thường, nếu như không biết những gì các ông ấy đã phát ngôn trước đó, 8, 9 tháng trước đó. Chao ơi, hồi ấy dương dương tự đắc như trời là của các ông ấy, như đất là trong túi các ông ấy.

Nếu tự trọng các ông ấy đã chả nói hung hăng thế, hoặc lỡ nói rồi thì xin lỗi, hoặc dũng cảm từ chức đi. Nhân dân sẽ khâm phục các ông, con cháu các ông sẽ tự hào về các ông...

Hôm qua mình viết trên fb: Tiên Lãng nhúc nhích rồi, tóm một chú khởi tố thêm ba chú cho tại ngoại rồi. Nhưng chú Khanh này theo gia đình anh Vươn thì lại là người chống lại cưỡng chế và ủng hộ gia đình nhà Vươn, huhu. Còn đ/c định viết sách dạy cưỡng chế phối hợp bộ đội công an dân phòng... thì vẫn chưa ra sách.

Trong khi ấy thì thủ tướng nhận lỗi trước quốc hội nhưng theo nhà báo Đào Tuấn thì dẫu nhận lỗi mà trong báo cáo của chính phủ toàn màu hồng phơi phới đi lên. Thế thì hà cớ gì phải nhận lỗi hè...

Chả hiểu gì hết...


Chỉ hiểu là, lòng tự trọng thời này nó hiếm kinh. Như mình chứng kiến có tên tham như mõ, vơ vét còn hơn mõ, nhưng mở mồm ra là nói chuyện... trong sạch, là chửi người khác tham, hu hu...

Là mình đọc báo thấy thủ tướng dặn các cháu sinh viên phải tự trọng "Nhưng PCTN không chỉ là luật, xử lý nghiêm theo luật, hành xử theo luật mà còn là giáo dục, giáo dục về đạo đức, lối sống, tư tưởng, lòng tự trọng và trách nhiệm với đất nước"... Sinh viên bây giờ may thật, thời mình, tự trọng là được bố mẹ dạy từ bé, là được hun đúc từ cái phông văn hóa của mỗi gia đình, chứ có mấy ai được thủ tướng căn dặn đâu? 

Mà mình nhé, ít nhất là mình, lòng tự trọng vẫn le lói...

Văn Công Hùng

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Không hoàn thành nhiệm vụ thì rút lui

"Nhân dân đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, thấy mình không hoàn thành thì rút lui”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói với cử tri quận 4, TP.HCM.   

Hôm nay – ngày thứ hai tiếp xúc với cử tri TP.HCM trước kỳ họp QH, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục chia sẻ những bức xúc trong chống tham nhũng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri quận 4, TP.HCM. Ảnh: Tá Lâm

Một lần nữa, trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, mặc dù Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định nhưng tình hình còn nhiều phức tạp, mức độ tham nhũng đang gia tăng hết sức nghiêm trọng.

“Tôi đề nghị cô bác, anh chị nào phát hiện thì chỉ cho chúng tôi những vụ tham nhũng lớn, những cán bộ nào to liên quan đến cấp Trung ương tham nhũng… Những vụ tham nhũng đã xử rồi mà thấy chưa thỏa đáng thì cũng nên bày tỏ chính kiến”, Chủ tịch nước nói.

Để nhấn mạnh đến chống tham nhũng, Chủ tịch nước đã nói về mình. “Các đồng chí bầu tôi, tôi biết phải làm gì. Khi thấy mình nhu nhược thì tôi sẽ làm đơn xin nghỉ. Thậm chí khi về quê, tôi sẽ trả lại nhà cho Đảng. Nhà tôi nhỏ thôi, 51 mét vuông, khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào. Bữa nay tôi nói dứt khoát như vậy” – ông Trương Tấn Sang nói.

“Tính tôi nói rất là thẳng, chứ khiêm tốn cái kiểu mà về nhà ấm ức là không được. Nhân dân đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, còn thấy mình không hoàn thành thì rút lui”, ông nói tiếp.

Chủ tịch nước cũng nhận khuyết điểm khi không bảo vệ được những người bị trù úm khi tố cáo tham nhũng. “Đúng là trong thực tế có những người đấu tranh chống tham nhũng bị trù dập, nhiều khi gia đình tan tác. Chúng tôi có lỗi lớn là không bảo vệ nổi những con người đó. Một số cán bộ nói với tôi rằng, nếu tôi đấu tranh thì chúng tôi có tồn tại được không? Tôi đã trả lời họ, nếu chúng ta hèn nhát thì làm đơn gửi cho Đảng chúng ta nghỉ, chúng ta rút lui đi để cho những người dũng cảm làm việc”, Chủ tịch nước khẳng định.

Tá Lâm
Nguồn: Vietnamnet

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Sự minh bạch của báo cáo

Ý nghĩa của Báo cáo tổng hợp tình hình kinh tế - xã hội của một địa phương, quốc gia trong một năm là cực kỳ quan trọng. Đó không những là thông tin để nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội trong một năm, mà còn là tư liệu đặc biệt ý nghĩa để các nhà quản lý, hoạch định chính sách sử dụng, tham khảo khi đưa ra các quyết định.

Báo cáo có chính xác, trung thực, minh bạch mới thể hiện đúng tình hình của nền kinh tế, hiện trạng của xã hội, qua đó mới có thể sử dụng giải pháp chính xác nhằm khắc phục hạn chế hay phát huy những ưu điểm, tiến bộ.

Các báo cáo cần được xem xét, phân tích kỹ lưỡng

Tuy thế, nhiều báo cáo đánh giá còn chưa sát với tình hình, số liệu báo cáo còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có thể thấy, hiện nay tình trạng các cơ quan, doanh nghiệp cố tình "làm đẹp” báo cáo là khá phổ biến. Để có một "báo cáo đẹp” trong nhiều trường hợp, những người làm báo cáo đã lờ đi các con số thống kê trung thực, phản ánh đúng tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị mình. Sau đó, qua các lần tổng hợp lại, sự vênh nhau, chênh lệch và sai số so với thực tế càng cao, đẩy đến việc những gì được thấy trong báo cáo hoàn toàn méo mó biến dạng so với thực tế. 

Mà một khi, các nhà quản lý, hoạch định chính sách lại dùng các thông tin báo cáo để làm cơ sở cho việc tìm ra thuốc chữa cho một căn bệnh thì không loại trừ khả năng bệnh sẽ nặng thêm.

Do vậy, không thể xem nhẹ việc báo cáo, bởi từ chính công việc mang tính “bếp núc” này, sự minh bạch, cụ thể, tường minh của các thông tin có hay không sẽ giúp chính chúng ta biết mình đang ở đâu, đã làm những gì và phải làm những gì để khắc phục những sai lầm. 

Theo Lê Cao (VietQ)

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Hậu sáp nhập, SHB thu hồi gần 450 tỷ đồng nợ xấu

Ngân hàng cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa báo cáo cập nhật về các chỉ tiêu chính sau một tháng sau khi sáp nhập Habubank. Theo đó, tính đến 28/9 SHB có tổng tài sản tăng 3,6%; tổng nguồn vốn huy động tăng 3,9%; dư nợ cho vay tăng 1,2% so với số liệu hợp nhất tại thời điểm sáp nhập.

Tính lũy kế từ thời điểm sáp nhập, số lượng khách hàng cá nhân tại SHB tăng thêm là hơn 9.600 khách hàng; khách hàng tổ chức tăng thêm là 182 khách hàng. Về số lượng tài khoản cá nhân tăng thêm 115.592 tài khoản và tăng thêm 2.713 tài khoản của các tổ chức kinh tế.

SHB cho biết sau một tháng sáp nhập, nhà băng hàng đã thu hồi được 448 tỷ đồng nợ xấu tại các đơn vị trước đây của Habubank. SHB cũng đặt mục tiêu đưa nợ xấu đến cuối năm 2012 của các đơn vị thuộc Habubank cũ xuống dưới 10%, nợ xấu của toàn hệ thống SHB xuống dưới 5%. Trước đó, số liệu trong đề án cho thấy, ngân hàng sáp nhập tính tại thời điểm 1/3/2012 có tỷ lệ nợ quá hạn là 21,32%, tỷ lệ nợ xấu là 12,88%.

SHB cũng vừa bổ nhiệm bà Đặng Tố Loan làm Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh SHB TP HCM. Thời hạn bổ nhiệm là 6 tháng để thử thách, kể từ ngày 9/10. Bà Đặng Thị Tố Loan sinh năm 1973, là Thạc sỹ Kinh tế chuyên ngành Tài chính Tín dụng.

Trước đó, ngày 15/9, SHB bổ nhiệm bà Bùi Thị Mai - nguyên Tổng giám đốc Habubank vào vị trí Phó tổng giám đốc SHB. Hiện Ban giám đốc của SHB có 8 Phó tổng.

Ngọc Tuyên (VNE)

CÓ NÊN HỌC TẬP CỔ ĐÔNG HAPOCO ?

Những chuyện “bi hài” tại Công ty Sứ Hải Dương 

(Dân trí) - Công ty cổ phần sứ Hải Dương (Hapoco) từng là niềm tự hào của người dân xứ Đông. Tiếc rằng, trong những năm qua, hàng trăm công nhân đồng loạt bỏ việc, nợ thuế nhà nước lên đến hàng tỷ đồng. Những chuyện “đau lòng” gì đang xảy ra tại đây?
Biết khi nào Công ty Sứ Hải Dương mới trở lại thời hoàng kim?
Báo Điện tử Dân trí nhận được đơn tố cáo của một số cán bộ, công nhân hiện đang công tác tại Công ty Cổ phần sứ Hải Dương phản ánh: Công ty Sứ Hải Dương trước đây đứng hàng đầu trong nước và khu vực Đông Nam Á về chất lượng sản phẩm. Thời điểm "hưng thịnh" đã có đến gần 2.000 cán bộ, công nhân làm việc ngày đêm. Vậy mà những năm qua, Công ty đã "lâm nạn", hàng trăm cán bộ, công nhân viên phải "về vườn".
 
Ngày 26/4/2009, Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương tiến hành đại hội cổ đông thường niên, quyết định tái cơ cấu doanh nghiệp, Công ty TNHH TM Ca Rin do ông Nguyễn Đỗ Hà và bà Vũ Lê Hoa làm đại diện được Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), chiếm 51% cổ phần, giới thiệu và đại hội quyết định làm cổ đông chiến lược. Sau đó, ông Hà và bà Hoa được bầu vào Hội đồng quản trị.
 
Thời gian đầu, cán bộ, công nhân viên Công ty háo hức, trông đợi, đặt niềm tin tràn trề vào Tổng Giám đốc Nguyễn Đỗ Hà vì nghĩ rằng với tuổi trẻ và tài năng của ông sẽ vực được Công ty Sứ Hải Dương đứng dậy, vươn lên trên thị trường. Nhưng trớ trêu thay, chỉ sau một thời gian ngắn, mọi hi vọng và trông đợi trên đã bị lụi tàn, tan như bong bóng. Những chuyện “bi hài” tưởng chừng không ai nghĩ đến lại xảy ra tại đây.
 
Lãi thì ít, lãnh đạo thưởng cao tít

Nội dung đơn tố cáo của một số cán bộ, công nhân viên Công ty Sứ Hải Dương nêu rõ: Với lý do xe của Công ty Sứ Hải Dương có phẩm cấp thấp, không đảm bảo sức khỏe để Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc đi làm, Tổng giám đốc Nguyễn Đỗ Hà đã ký hợp đồng thuê chính xe riêng của mình, với giá 18,7 triệu đồng/tháng từ hơn 3 năm nay. Nhiều công nhân cho rằng, điều đó thật khó chấp nhận khi mà Công ty sứ Hải Dương có tới 2 chiếc xe để phục vụ công ty và ban giám đốc.
 
Theo giải trình chi phí ứng trước ngày 5/3/2010, tại biên bản họp Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sứ Hải Dương, Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc của công ty có gia đình ở Hà Nội. Để thuận tiện cho việc đi lại, Tổng giám đốc Nguyễn Đỗ Hà đã ký hợp đồng thuê xe số 02 ngày 1/7/2010 của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Ca Rin (96 ngõ Thịnh Hào 1, phường Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội) do bà Nguyễn Thị Tố Hải làm Giám đốc (mà ông Hà và bà Vũ Lê Hoa, Phó tổng giám đốc Hapaco có vốn đầu tư) với giá 18,7 triệu đồng/tháng.
 
Điều khiến người lao động bức xúc hơn nữa là trong khi công ty đã thuê xe phục vụ việc đi lại cho lãnh đạo thì ông Hà lại cấp cả thẻ taxi cho bản thân ông, bà Vũ Lê Hoa và một số nhân viên của văn phòng Hà Nội, nhân viên văn thư của nhà máy.
 
Đơn tố cáo hàng loạt sai phạm của lãnh đạo Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương
Đơn tố cáo hàng loạt sai phạm của lãnh đạo Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương
gửi đến tòa soạn Báo Điện tử Dân trí
 
Trao đổi với PV Dân trí, bà Đoàn Thuý Ngà, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sứ Hải Dương bức xúc:
“Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc điều hành đã có thù lao 10% lợi nhuận của công ty, nhưng khoản thuê xe vẫn được tính riêng, 3 năm qua tốn gần 1 tỷ đồng. “Hợp đồng thuê xe để cho Tổng giám đốc đi làm trái với tờ trình ngày 3/5/2010 do ông Hà ký. Tại điểm 3.3 ghi rõ thù lao của Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc gồm chi phí xe ô tô và điện thoại”, bà Ngà nói.

Lãnh đạo lấy "tiền chùa" làm "tiền nhà"

Ngày 17/12/2010, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sứ Hải Dương Vũ Lê Hoa có tờ trình xin vay công ty 950 triệu đồng và thế chấp số cổ phiếu 1 tỷ đồng nằm trong số cổ phần vốn đầu tư là 8.645.900 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Ca Rin vào Hapoco (để trang trải công việc gia đình) và được chấp thuận. Thời hạn vay từ 25/12/2010 đến 25/12/2011.

Tuy nhiên, khi đến hạn, bà Hoa vẫn chưa trả số tiền gốc và lãi trong suốt 1 năm. Đến ngày 6/12/2011, bà Hoa tiếp tục xin công ty gia hạn cho bà vay 950 triệu đồng và số tiền lãi 146,3 triệu đồng thêm 1 năm nữa. Điều đáng nói là trong khi công ty đang nợ tiền trợ cấp thôi việc của công nhân và nợ đọng thuế nhiều năm (Công ty Sứ Hải Dương đã bị phạt 227 triệu vì chậm nộp thuế năm 2011), nhưng vẫn có gần 1 tỷ đồng cho bà Hoa vay.

Theo phản ánh của người lao động, kể từ khi tái cơ cấu, ban giám đốc công ty tích cực bán thanh lý bất cứ vật dụng gì để có tiền. Chẳng hạn, bộ cốc bạch kim đựng hoá chất thí nghiệm của công ty bán được hơn 200 triệu đồng.
Lãnh đạo công ty còn bán nhiều máy móc hỏng với số tiền mà ông Hà cho biết khoảng 700 triệu đồng. Nghịch lý ở chỗ, số tiền bán sắt vụn này cùng những khoản thu nhập khác như tiền cho thuê nhà 2,2 tỷ đồng, được lãnh đạo công ty tính vào lợi nhuận của quý IV năm 2011.

Bà Đoàn Thuý Ngà, thành viên Hội đồng quản trị Hapoco cho biết thêm:  “Ba quý đầu năm 2011, công ty thua lỗ nhưng ông Hà và bà Hoa không nộp phạt theo quy định. Đến quý IV năm 2011, ông Hà báo cáo kinh doanh có lãi nhưng thực ra tiền lãi không thu được từ hoạt động sản xuất (sản xuất lỗ 994 triệu đồng, theo báo cáo kinh doanh 2011).
 
Theo bà Ngà, lãi giả 1,1 tỷ đồng của năm 2011 nhưng nếu hạch toán đầy đủ thì phải lỗ hàng tỷ đồng. Giải thích về việc kê khai mức lãi giả này, bà Ngà cho biết là để ông Hà và bà Hoa được thưởng 10% lợi nhuận (115 triệu đồng) thay vì phải nộp phạt 10% (khoảng trên 300 triệu đồng).
 
Trước các dấu hiệu sai phạm trên, đề nghị cơ quan Công an, UBND tỉnh Hải Dương, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước khẩn trương vào cuộc làm rõ vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng trăm lao động, xử lý nghiêm các cá nhân có sai phạm để Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương sớm ổn định sản xuất.
 
Liên qua đến những “lình xình” đang xảy ra tại Công ty Sứ Hải Dương, khi trả lời phóng viên báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Qua thông tin báo chí, UBND tỉnh Hải Dương đã nắm bắt về những lình xình tại Công ty cổ phần Sứ Hải Dương. Về vụ việc này, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì cùng các sở ban ngành liên quan làm rõ những kiến nghị, tố cáo của công nhân, lao động.
 
Trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo tỉnh Hải Dương và cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh không dung túng, bao che bất cứ sai phạm nào của các cá nhân và doanh nghiệp trong tỉnh nói chung và Công ty cổ phần Sứ Hải Dương nói riêng.
 
Về thương hiệu sứ Hải Dương có nguy cơ bị mai một, ông Hiển cho biết: Lúc nào tỉnh cũng mong muốn công ty có người lãnh đạo có tầm, có tâm với nghề cùng tập thể người lao động tận tụy sáng tạo để gìn giữ và phát huy thương hiệu sứ Hải Dương, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

2012 - năm thay đổi tư duy của lãnh đạo

(VietQ.vn) - 2012 là năm đặc biệt khó khăn với lãnh đạo doanh nghiệp (DN). Tuy vậy, khủng hoảng là dịp để nhìn nhận và đánh giá lại công tác quản lý điều hành; đặc biệt là vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo trong phát triển bền vững DN.

Có thể coi 2012 là năm bản lề với sự thay đổi về tư duy quản lý điều hành kinh doanh của rất nhiều lãnh đạo DN.

Với chủ đề năm nay là Chất lượng lãnh đạo doanh nghiệp Việt, ngày nhân sự Việt Nam 2012 diễn ra từ chiều đến tối 14/10 đã thu hút rất đông khách mời là lãnh đạo, nhà quản lý nhân sự tại các doanh nghiệp... tham gia. Tại đây đã diễn ra các cuộc đối thoại nhằm chia sẻ cách thức quản lý nhân sự, kỹ năng lãnh đạo, cách đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn....
2012 được coi là năm thay đổi tư duy lãnh đạo. Ảnh: HRday

Chia sẻ trong ngày nhân sự Việt Nam, PGS. TS Lê Quân (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) - Trưởng ban tổ chức ngày nhân sự Việt Nam 2012, cho rằng trước khủng hoảng, quan điểm "nước nổi bèo nổi" thịnh hành, nhiều lãnh đạo luôn lạc quan là kinh tế Việt Nam chỉ có đi lên. Thậm chí 2011, nhiều DN còn tranh thủ khủng hoảng vì nghĩ rằng chu kỳ khủng hoảng ngắn. Trong khi quản trị rủi ro bản chất là tư duy phản biện của lãnh đạo, nhưng dường như lãnh đạo DN Việt chưa được trải nghiệm qua khủng hoảng nhiều nên trước đây coi nhẹ công tác quản trị rủi ro.

PGS. TS Lê Quân cũng chỉ ra rằng: điểm mạnh của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt là tiết kiệm, chống lãng phí, quản trị chất lượng, quản trị sản xuất; và các điểm yếu của họ hiện nay là quản trị rủi ro, marketing và quản trị nhân lực. Các mục tiêu ít được các nhà lãnh đạo ưu tiên như: nhân sự kế nhiệm, thời gian cho đào tạo nhân viên, thực hiện trách nhiệm xã hội.

Với kinh nghiệm cá nhân, trưởng ban tổ chức ngày nhân sự cho rằng, ba hành động cần ưu tiên của lãnh đạo là: nhân sự chủ chốt, dòng tiền và cơ hội thị trường.

Nhấn mạnh việc các DN Việt cần tư duy toàn cầu và hành động cụ thể, TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cao cấp, đưa ra lập luận rằng kinh
"Một doanh nhân thành đạt tại Mỹ có thể không cần bằng cấp vì họ được học quá nhiều lý thuyết hiện đại từ trường đời. Nhưng tại Việt Nam, để học lý thuyết tại trường đời là điều khó khăn khi mà nền kinh tế chúng ta đang trong chuyển đổi. Kinh nghiệm là quan trọng nhưng không thể mang kinh nghiệm chạy xe trên đường làng ra đường cao tốc".
PGS. TS Lê Quân
tế thế giới có thể rơi vào suy giảm và suy thoái, cuộc khủng hoảng nợ của Châu Âu có thể ảnh hưởng lan rộng. Các DN cần thiết lập thành nhóm để theo dõi tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và cả thế giới. Tiếp đến là cần học tập từ các bậc tiền bối, cụ thể là đại tướng Võ Nguyên Giáp, có chiến lược tiến lên và chiến lược rút lui. Khi có khó khăn, các DN cần dũng cảm đề ra phương cách rút lui và chờ cơ hội tiến lên. Tình hình đang biến đổi và biến đổi xấu nên các DN cần nghĩ đến phát triển bền vững, nghĩ đến lợi ích xã hội, tăng trưởng xanh, đó là xu hướng hiện nay.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với đối tác nước ngoài, Giám đốc chiến lược của tập đoàn FPT Nguyễn Hữu Thái Hòa dẫn chứng: "DN Nhật có một quan điểm rất hay là "Small is beautiful". Trong khi đó nhiều DN Việt cứ cho rằng phải ồn ào, phải hoành tráng, theo tôi là không cần thiết. Cho nên rõ ràng trong những năm đầu DN nên tập trung vào năng lực cốt lõi. Tôi xin khuyên DN vừa và nhỏ ba ý: Không nên chờ đợi sự giúp đỡ mà hãy tự mình cứu lấy mình. Một là tái cấu trúc chi phí. Hai là cần giữ chân nhân sự. Ba là cần suy nghĩ và tư duy chiến lược".

"Điều đầu tiên tôi quyết định tôi ở lại hay đi là người sếp. Một trong những nhược điểm của lãnh đạo Việt là không chịu lắng nghe cấp dưới. Người cấp dưới hiểu biết vấn đề đôi khi còn rõ hơn lãnh đạo. Do đó, để giữ chân người tài, nhà lãnh đạo cần khắc phục nhược điểm này", ông Hòa chia sẻ thêm.

TS. Lê Đăng Doanh cũng dẫn ra vài ví dụ trong việc quản lý nhân sự: "Cách tốt nhất để giữ được người tài là cần trung thực và chân thành. Chúng ta cần học hỏi Bác Hồ, là người rất tin cậy người dưới, đối xử với người dưới với sự chân thành, cởi mở. Lãnh đạo doanh nghiệp Việt cần tránh sự độc đoán, gia trưởng. Như Nguyễn Trãi đã nói: Lấy chí nhân để thay cường bạo, đem chính nghĩa để thắng hung tàn. Nhật Bản có những DN rất nhỏ, chỉ 30 người thôi nhưng đã sản xuất ra những linh kiện cho máy bay Boeing và họ vẫn duy trì được sản xuất ổn định lâu dài.

Trong phần đối thoại của mình với các khách mời, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, cho biết: Người lao động đi làm ai cũng muốn lương cao. Tuy nhiên, Phú Thái đã thực hiện khảo sát và cho thấy yếu tố người lao động đề cao nhất là môi trường, được thể hiện qua mối quan hệ giữa người chủ và nhân viên, hay đó là môi trường được đào tạo… Do đó, chúng tôi cam kết tạo một môi trường làm việc cho người lao động bao gồm các yếu tố: môi trường tạo được sự cạnh tranh, môi trường người lao động có cơ hội được đào tạo và môi trường thân thiện như gia đình.

Đức Thắng

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Doanh nhân và trọc phú

(Dân trí) - Ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã nói một câu rất thú vị: Một đất nước muốn giàu mạnh và phát triển phải biết yêu doanh nhân, và doanh nhân muốn được yêu phải biết nghĩ cho xã hội.

(Minh họa: Hồng Anh)
(Minh họa: Hồng Anh)
Câu nói đó của ông Đặng Lê Nguyên Vũ được tiếp lời bởi câu chuyện của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trong buổi phát động một chương trình hành động của doanh nhân Việt, rằng cách đây mấy năm khi ông đến Ấn Độ, ông đã rất buồn khi nhân viên lễ tân trả lời ông rằng cô ấy không biết tới Việt Nam. Cô lễ tân lý giải: “Tôi biết tới Thái Lan vì sử dụng hàng tiêu dùng của họ. Tôi biết Nhật Bản vì xe Toyota chạy đầy đường Ấn Độ. Ở đây không có hàng hóa nào của Việt Nam, nên thú thực tôi không biết về Việt Nam”.
Câu chuyện nhỏ đó cho thấy một mối quan hệ lớn hơn giữa thương hiệu của một mặt hàng, một ngành hàng với thương hiệu quốc gia. Nước Nhật được thế giới nể phục gọi là hiện tượng thần kỳ trong phát triển kinh tế từ sau Thế chiến thứ II có một phần đóng góp rất lớn của những tên tuổi như Toyota, Honda, Mitsubishi, Sony…  Những con người đằng sau các tên tuổi ấy không ai khác là những doanh nhân.
Ở Việt Nam, từ những năm đầu thập kỷ 1990 đến nay cũng đã sản sinh nhiều doanh nghiệp lớn, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước từ một nền kinh tế lạc hậu thành một quốc gia có thu nhập trung bình.
Họ góp phần tạo ra GDP, giải quyết việc làm, kéo đất nước đi lên. Cũng đã có không ít thương hiệu vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, trở thành thương hiệu quốc tế. Và những thương hiệu đó, đã mang cái tên Việt Nam đến với thế giới.
Nhưng ở Việt Nam, có bao nhiêu người làm kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp được gọi là doanh nhân? Bao nhiêu người làm kinh doanh xứng đáng được yêu quý? Đó vẫn là một câu hỏi lớn, gắn với một câu hỏi cơ bản hơn: Doanh nhân là ai?
Ông Nguyễn Liên Phương - Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam gọi doanh nhân là người trả lương và đóng đầy đủ các loại bảo hiểm cho người lao động.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ gọi doanh nhân là người biết làm giàu không chỉ cho mình, mà còn làm cho xã hội phát triển.
Hai định nghĩa, tưởng đơn giản, nhưng nếu chiếu theo đó thì ở Việt Nam có bao nhiêu người kinh doanh, chủ doanh nghiệp thực sự là doanh nhân? Có lẽ không quá nhiều.
Ở Việt Nam, có rất nhiều người lắm tiền một cách bí ẩn trước khi làm kinh doanh, những người mà trước khi xã hội bắt đầu biết đến sự có mặt của họ thì họ đã rất giàu có.
Ở Việt Nam, còn rất nhiều công nhân chưa được đối xử đúng luật lao động và danh sách cần truy thu của cơ quan bảo hiểm xã hội và thuế vụ chưa năm nào được rút ngắn.
Ở Việt Nam, còn rất nhiều kiểu làm giàu bằng cách không tạo ra giá trị mới cho xã hội, hoặc tệ hơn, kéo lùi sự phát triển của xã hội.
Ở Việt Nam, còn dư địa cho lối làm ăn kiểu đầu cơ, mua đi bán lại, làm giả làm nhái, ký sinh vào cơ chế và sự lỏng lẻo trong quản lý để làm giàu một cách bất chính, hoặc phân chia lại tài sản xã hội theo hướng đặc lợi dành cho người có đặc quyền.
Ở Việt Nam, có rất nhiều người kinh doanh khởi đầu bằng khát vọng doanh nhân trong sáng nhưng kết thúc bằng sự tha hóa, biến chất, thậm chí là tù tội, lao lý…
Ở Việt Nam, cũng có không ít người mang nặng ước mơ lúc thân phận còn thấp, nhưng sớm thỏa mãn và chạy theo hưởng thụ cá nhân khi đã thu được ít nhiều thành quả; cái mà giới làm ăn hay gọi là bệnh “bò no chán cỏ”.
Tất cả những lối nghĩ, lối làm đó đều không phản ánh tính cách, bản ngã của một doanh nhân. Nói thẳng hơn, đó là lối thể hiện gần hơn với bản chất trọc phú.
Điều đáng tiếc, là số người này không hề nhỏ. Nên không khó hiểu, khi một bộ phận người Việt có tâm lý "ghét người giàu". Cũng không quá khắt khe, khi có người ngoa dụ ví von rằng "doanh nhân là những tù nhân dự khuyết".
Trong bối cảnh nền kinh tế đang bước đi giữa những chông gai, kỳ vọng đặt vào vai giới doanh nhân là rất lớn. Nếu trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đoàn quân tiên phong là những người lính thì trong thời kỳ đất nước hướng tới sự thịnh đạt, đội ngũ đi đầu không ai khác là doanh nhân.
Và cũng trong cái chông gai này, sự khác biệt giữa doanh nhân và trọc phú sẽ ngày càng lộ rõ hơn.
Doanh nhân với trí tuệ, khát vọng, phương pháp và bản lĩnh sẽ giúp đất nước, xã hội bước qua những khó khăn. Trọc phú với sự mánh khóe, bản chất ký sinh, sự liều lĩnh và làm giàu bất chấp sẽ dễ dàng lộ diện.
Sự tồn tại song song, đối lập và đôi khi đan xen giữa doanh nhân và trọc phú cũng là một phần trong Qui luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập trong triết học. Sẽ không có một nền kinh tế chỉ có doanh nhân, cũng không có một xã hội toàn trọc phú.
Giá trị của một trọc phú có thể đo đếm dễ dàng qua chiếc siêu xe triệu đô, biệt thự hạng sang, bộ sưu tập sinh vật "sách đỏ" hay những thú vui xa xỉ. Giá trị của một doanh nhân, khó hơn, được đo đếm bằng tổng giá trị mà người đó tạo ra cho xã hội, cho cộng đồng.
Nhưng xã hội tiến bộ sẽ tìm được cách phân biệt để tôn vinh, yêu quý và ghi nhận sự đóng góp của những doanh nhân chân chính trong tiến trình phát triển của mình.
Và xã hội tiến bộ sẽ vạch mặt, lên án những kẻ trọc phú làm giàu bất chính bằng cách gặm mút tài nguyên, bóc lột lao động, lũng đoạn thị trường, xây nhóm lợi ích và vơ vét tài sản xã hội thành tài sản của mình.
Cô lễ tân người Ấn Độ trong câu chuyện của ông Vũ Tiến Lộc, trong tương lai có biết tới Việt Nam hay không, một phần không nhỏ xuất phát từ việc xã hội ta có biết yêu doanh nhân hay không, và những người đang ngồi ghế doanh nhân có xứng đáng với tình yêu đó hay không.
Và bạn, bạn muốn gửi gắm lời nào tới những doanh nhân? Lời nào dành cho trọc phú? 
Lê Hồng Kỹ

TƯ DUY TÍCH CỰC - ĐỘNG LỰC SỐNG LÀNH MẠNH, HIỆU QUẢ


Chẳng ai sinh ra là tích cực hay tiêu cực. Điều đó phụ thuộc vào sự lựa chọn có ý thức hoặc vô ý thức về thái độ sống của con người. “Bạn là sản phẩm của sự di truyền, môi trường, thể xác, tâm trí và tiềm thức. Bạn chịu ảnh hưởng của không gian, thời gian, và hơn thế là những sức mạnh vô hình mà bạn có thể hoặc không thể tự nhận biết. Khi suy nghĩ với tinh thần tích cực, bạn có thể tác động, sử dụng, điều khiển, hoà hợp hay cân bằng lại bất cứ, hoặc tất cả các yếu tố trên. Bạn đủ khả năng định hướng cho suy nghĩ, làm chủ cảm xúc và tạo ra số phận của mình. Bạn là tinh thần trong một thể xác. - W. Clement Stone


Những người tư duy tích cực sống lạc quan, yêu đời, hòa đồng với mọi người, bao dung, khiêm tốn, tự chủ, dùng ngôn từ nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, học hỏi để hoàn thiện bản thân. Họ sống với hoài bão, mục tiêu rõ ràng, tự tin, dám đương đầu với khó khăn thách thức và quyết tâm đi đến cùng để hiện thực hóa giấc mơ của mình. Chính những phẩm chất đó giúp họ khơi dậy những khả năng tiềm ẩn của bản thân, giữ được tâm trạng quân bình, cởi mở, tạo dựng được những mối quan hệ tốt đẹp và tìm ra được những giải pháp sáng tạo, hữu hiệu trong mọi tình huống. Họ là những người làm chủ vận mệnh của mình và có ảnh hưởng tích cực đối với những người xung quanh.


Những người có xu hướng tư duy tiêu cực thường nghĩ theo lối mòn và hành động theo thói quen, không tự tin, ngại khó, sợ thay đổi, thiếu sáng tạo. Họ sống thiếu mục tiêu, hoài bão, thiếu ý chí hành động, sợ thất bại, thường buông xuôi trước khó khăn, trở ngại, cam chịu, nhưng luôn tìm lý do để biện minh, không dám tự chịu trách nhiệm. Người tư duy tiêu cực luôn tìm nguyên nhân bên ngoài, trong khi người tư duy tích cực trước tiên tìm nguyên nhân từ chính bản thân họ. Do thiếu những mục tiêu cao đẹp, họ thường suy nghĩ vụn vặt, hẹp hòi, kiểm soát bản thân kém, dùng ngôn từ nặng nề. Những nhược điểm nói trên làm cho họ khó gần, kém hòa hợp và hợp tác. Họ thường để cho ngoại cảnh quyết định vận mệnh của mình. Tư duy tiêu cực chẳng những có tác hại đến bản thân mà còn có thể ảnh hưởng không tốt đến người khác. Không có gì lãng phí năng lượng sống bằng sự nuôi dưỡng tư duy tiêu cực.


Đừng để những tư tưởng tiêu cực lôi cuốn mình. Hãy luôn sống với niềm tin và khát vọng. Khi gặp khó khăn trở ngại, hãy tự hỏi: ta có thể tìm được cơ hội nào trong tình huống này? Đó là cách tự nạp năng lượng và nguồn cảm hứng của mình bằng những suy nghĩ tích cực!

Theo: tam-sang.com