Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

GIÁ TRỊ CỦA LỜI PHÊ BÌNH

Thực chất những lời phê bình là thông tin phản hồi về những việc làm của mình, nhưng tác dụng của nó phụ thuộc vào cách phản ứng của mình trước những thông tin đó. Để có thể thành tâm tiếp nhận lời phê bình, điều trước tiên cần làm là vượt qua lòng tự ái và tính sĩ diện của bản thân. “Nhân vô thập toàn”, không có ai là người “mười phân vẹn mười”, cho dù là thánh nhân. Kiểm soát tốt bản thân để có thể suy xét sáng suốt về tính chính đáng của lời phê trên tinh thần “đãi cát tìm vàng”, coi lời phê là thông tin quý giá giúp mình hoàn thiện bản thân. Nếu làm được như vậy, thì đó là cơ hội để hoàn thiện bản thân và cùng nhau giải quyết vấn đề.
Ngạn ngữ có câu “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Muốn không ngừng hoàn thiện bản thân và sớm thành công, cần phải có thái độ đúng mực với những lời phê bình, trên tinh thần xem ‘người chê ta đúng là thầy ta”, cho dù lời phê đó có nhất thời làm ta đau tới múc nào. Không nên có thái độ phòng vệ quá mức, mà trước tiên là phải điềm tĩnh lắng nghe và nghiêm túc kiểm nghiệm lại bản thân mình. Mare Aurèle cho rằng: “Nếu ai có thể chứng minh rằng tôi sai, tôi sung sướng sửa lỗi, vì tôi tìm chân lý”. Nếu sự thể quá căng thẳng, nên hoãn lại việc tranh luận đúng sai, để bình tâm suy xét lại lời phê bình rồi tìm cách ứng xử đúng mức.
Cần tránh cách hành xử không hợp lý như: bỏ ngoài tai, né tránh việc cân nhắc tính chính đáng của lời phê, tự ái, ăn miếng trả miếng theo kiểu chỉ trích lại cái sai của người phê bình, hoặc nản chí, buông xui vấn đề. Thay vào đó cần thành tâm tự đặt ra các câu hỏi cần thiết: Trong việc này, mình có gì sai sót, hạn chế? Những hạn chế đó xuất phát từ đâu? Làm thế nào để khắc phục và cải thiện tình thế?  
(Nguồn: tam-sang.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét