TT - Tại hội nghị “Nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân
với Đảng, Nhà nước, MTTQ VN” vừa được tổ chức mới đây, khi GS.TS Trần
Ngọc Hiên (nguyên phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
cho rằng “cần phục hồi giá trị Đại hội VI: nhìn thẳng vào sự thật” đã
lập tức nhận được hưởng ứng của người nhiều năm làm công tác văn hóa là
TS Nguyễn Viết Chức (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục,
thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội): “Phải chữa bệnh giả
dối. Phải nhìn thẳng vào sự thật, nói thật, làm thật”.
TS Chức cho rằng “tất cả mọi thứ sẽ mất đi, ngay cả
những khó khăn ngổn ngang của đất nước hiện nay rồi sớm muộn cũng phải
được giải quyết, cái còn lại là văn hóa, bởi văn hóa là nền tảng của xã
hội”. Theo ông, điều tiên quyết làm nên thành công của sự nghiệp “ĐỔI
MỚI” nằm trong một chữ “THẬT”. Ấy là văn hóa, từ người lãnh đạo tối cao
đến những thường dân đều đồng lòng “nhìn thẳng vào sự thật, nói thật,
làm thật”.
Ông Chức lấy một ví dụ đơn giản và quả quyết rằng vẫn
còn lưu giữ hình ảnh và bằng chứng: Thời bao cấp, có nhiều thứ giả dối,
đến như người nông dân mà còn giả dối (ngồi chơi dài cổ chờ kẻng thì đi
làm, làm được một lúc thì giải lao tán chuyện, hết buổi thì về, làm giả
nhưng công điểm lại thật, luôn vượt định mức, vượt kế hoạch, kết quả là
đói nghèo). Khi đổi mới, nông dân nô nức ra đồng làm ngày làm đêm, nhiều
người dùng vai cày bừa thay trâu bò, vậy là cuộc sống khấm khá dần lên.
Bài học lịch sử chưa xa, mới từ năm 1986, vậy mà bệnh
cũ lại tái phát. Tại hội nghị, cựu đại biểu Quốc hội - GS.TS Nguyễn Lân
Dũng dẫn chứng: “Tôi lo lắm, bây giờ đến rau sạch cũng được làm giả một
cách tinh vi. Những người buôn rau mách nước cho bà con nông dân rằng cứ
phun thuốc trừ sâu thoải mái để rau tốt lên, lúc sắp bán thì bắt ít sâu
bỏ vào cho nó cắn lá vài ngày, dân thành phố thấy dấu vết của sâu sẽ
nghĩ là rau sạch”. “Đến trồng rau mà cũng giả dối thì bệnh nặng lắm rồi”
- TS Chức bình luận.
Nhưng, nặng nhất và nguy nhất - theo ông Chức - đang
xảy ra trên diện rộng, ấy là tình trạng người ta nói khác với những điều
mình nghĩ. Thôi thì để cho an toàn, sống khỏe và thăng tiến nhanh, cách
tốt nhất để lựa chọn là nói theo ý sếp, dẫn theo lời sếp, ý sếp là ý
trời, mặc cho mình có nghĩ khác và mặc cho điều đó thậm chí trái với đạo
đức mà mình đã lựa chọn.
Vì không rõ đâu là giả, đâu là thật nên sau khi nghe TS
Lê Xuân Nghĩa (thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia)
bình luận về thực trạng hệ thống ngân hàng, TS Chức phải thốt lên: “Tôi
không biết con số thực của nợ xấu hiện nay là bao nhiêu. Nhiều người
cũng không biết. Chúng ta đang khát khao sự thật”. Câu cảm thán của ông
Chức được nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan lý giải phần nào: “Nền kinh tế
đang có nhiều cái ảo, ngân hàng là một trong những chỗ như vậy, kinh tế
khó khăn mà ngân hàng vẫn lãi khủng thì chứng tỏ hoạt động ảo nó rất
khủng khiếp!”.
Để chữa bệnh giả dối, chữa bệnh ảo trong nền kinh tế -
xã hội, GS Trần Ngọc Hiên cho rằng “phải sửa đổi căn cơ, vì không căn cơ
thì sai đâu sửa đấy, mà sai đâu sửa đấy sẽ rơi vào tình trạng sửa đâu
sai đấy”. Chính vì vậy, điều mà các chuyên gia và cựu lãnh đạo mong đợi
là “làm thật tốt nghị quyết trung ương 4”, bởi chỉ khi phê và tự phê làm
sáng rõ được mọi vấn đề thì mới có được một khởi nguyên tốt.
Vẫn theo TS Chức, nghị quyết 4 đã “trúng” với văn hóa
VN, ấy là văn hóa nêu gương: làm từ trên xuống dưới. Chỉ còn duy nhất
một điều kiện để thành công: LÀM THẬT. Ông Vũ Khoan cũng cho rằng đây
chính là điều mà nhân dân đang mong đợi.
LÊ KIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét