Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Để có cơ hội cạnh tranh, cần thay đổi tư duy “nhà lãnh đạo”

Khủng hoảng kinh tế, bên cạnh những khó khăn còn là cơ hội để các doanh nhân nhìn lại một cách khách quan về những hạn chế, khiếm khuyết của doanh nghiệp, từ đó tìm ra giải pháp chống đỡ với những rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hội thảo "Khủng hoảng kinh tế - cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp" - do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Công ty CP Tri thức Doanh nghiệp Quốc tế và Báo Doanh Nhân Sài Gòn đồng phối hợp tổ chức sáng 9/10/2012 - là diễn đàn để các doanh nghiệp cùng các chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và cùng hướng tới giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Đây cũng là một trong những hoạt động chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 của các đơn vị tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO cho rằng, việc tự đánh giá lại mình, tái cấu trúc, điều chỉnh và xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình mới là điều DN nên làm, nhất là trong giai đoạn DN đang đứng trước khủng hoảng kinh tế như hiện nay.
Theo đó, có 2 giải pháp dành cho đối tượng DN mạnh và DN vừa, nhỏ. Cụ thể, đối với DN vừa, nhỏ phải nhanh chóng hợp tác, sáp nhập để tăng thêm sức mạnh và bổ trợ nhau. Còn với các DN mạnh thì đây là cơ hội để họ “vẫy cánh”, mua lại các DN tiềm năng nhằm tăng vốn, thay phương pháp quản trị, thậm chí thay “ngôi” những lãnh đạo không theo kịp biến động của thị trường.

Đứng ở vai trò nhà điều hành, ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP phát triển Nhà Thủ Đức cũng đề ra các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN căn cứ vào 4 yếu tố: nguồn vốn, công nghệ, nguồn nhân lực và các giá trị vô hình, để các DN ứng dụng.

Tuy nhiên, với tiềm lực lẫn “tuổi đời” còn khá trẻ, việc tái cấu trúc vẫn là chuyện khiến nhiều DN Việt Nam "lấn cấn". Dẫn chứng từ kết quả khảo sát của Vietnam Report đối với các DN trong nhóm Fast500, 75% số DN được hỏi cho rằng ngân hàng là kênh huy động vốn kinh doanh khả thi hơn so với những kênh khác, cho thấy đây chính là vấn đề căng thẳng và thể hiện điểm yếu của đại đa số DN Việt Nam.

Một vấn đề khó nữa, theo ông Hiếu là kinh tế Việt Nam từ đầu năm 2012 đến nay còn gặp nhiều khó khăn, như lạm phát đã được kiểm soát tốt và đạt mức thấp nhưng đang có dấu hiệu tăng nhanh trở lại trong thời gian tới, bên cạnh những bất ổn vĩ mô, xuất nhập khẩu, thị trường chứng khoán và bất động sản vẫn tiếp tục trì trệ đã kéo niềm tin đầu tư và tiêu dùng giảm mạnh.

Do đó “cơ hội là phải xuất phát từ bản lĩnh, nếu nhà điều hành DN không có điều này thì rất khó để chạm đến cơ may trên. Song, tình hình hiện nay của các DN là luôn trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng, để bản thân tự vực lên sẽ không dễ, đòi hỏi phải có sự tiếp sức của nhà nước, có như vậy mới vừa tạo ra cơ hội đầu tư và vừa có giải pháp để tăng tốc cho DN”, ông Hiếu nói.

Lấy kết quả từ thực tế, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Phó tổng giám đốc PNJ cũng chia sẻ, việc tái cấu trúc phụ thuộc vào nhà điều hành, đôi khi DN đang “ăn nên làm ra” vẫn chấp nhận tiến hành tái cấu trúc. Lấy điển hình từ DN mình đang làm, ông Quỳnh nhấn mạnh, vấn đề là phụ thuộc vào thời điểm, thị trường lẫn tiềm lực DN.

Trên thực tế, các chuyên gia, nhà điều hành DN vẫn cho rằng, cơ hội vẫn luôn tiềm ẩn trong khó khăn, do đó, hội thảo còn là cơ hội để các DN, các nhà quản lý cùng trao đổi, thảo luận, tư vấn các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua khủng hoảng.

Chia sẻ tại hội thảo, luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch thường trực HUBA, cũng phác họa những cơ hội từ khủng hoảng và cho rằng, để biến những khó khăn thành lợi thế, các DN phải nhìn thấy những thay đổi sắp diễn ra, đồng thời nắm bắt và trang bị cho mình những phương pháp, kỹ năng mới, giúp DN tận dụng tối đa những thay đổi đó.

Đúc kết những kinh nghiệm để vượt qua khủng hoảng, ông Đặng Đức Thành - Ủy viên BCH Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, để có cơ hội cạnh tranh, DN cần thay đổi tư duy “nhà lãnh đạo”, nâng cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, đối mặt với những khó khăn, không đùn đẩy hoặc né tránh trách nhiệm. Hơn nữa, cũng cần tập trung xây dựng thương hiệu cá nhân, xây dựng chiến lược kinh doanh trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét