Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

GIÁ TRỊ CỦA LỜI PHÊ BÌNH

Thực chất những lời phê bình là thông tin phản hồi về những việc làm của mình, nhưng tác dụng của nó phụ thuộc vào cách phản ứng của mình trước những thông tin đó. Để có thể thành tâm tiếp nhận lời phê bình, điều trước tiên cần làm là vượt qua lòng tự ái và tính sĩ diện của bản thân. “Nhân vô thập toàn”, không có ai là người “mười phân vẹn mười”, cho dù là thánh nhân. Kiểm soát tốt bản thân để có thể suy xét sáng suốt về tính chính đáng của lời phê trên tinh thần “đãi cát tìm vàng”, coi lời phê là thông tin quý giá giúp mình hoàn thiện bản thân. Nếu làm được như vậy, thì đó là cơ hội để hoàn thiện bản thân và cùng nhau giải quyết vấn đề.
Ngạn ngữ có câu “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Muốn không ngừng hoàn thiện bản thân và sớm thành công, cần phải có thái độ đúng mực với những lời phê bình, trên tinh thần xem ‘người chê ta đúng là thầy ta”, cho dù lời phê đó có nhất thời làm ta đau tới múc nào. Không nên có thái độ phòng vệ quá mức, mà trước tiên là phải điềm tĩnh lắng nghe và nghiêm túc kiểm nghiệm lại bản thân mình. Mare Aurèle cho rằng: “Nếu ai có thể chứng minh rằng tôi sai, tôi sung sướng sửa lỗi, vì tôi tìm chân lý”. Nếu sự thể quá căng thẳng, nên hoãn lại việc tranh luận đúng sai, để bình tâm suy xét lại lời phê bình rồi tìm cách ứng xử đúng mức.
Cần tránh cách hành xử không hợp lý như: bỏ ngoài tai, né tránh việc cân nhắc tính chính đáng của lời phê, tự ái, ăn miếng trả miếng theo kiểu chỉ trích lại cái sai của người phê bình, hoặc nản chí, buông xui vấn đề. Thay vào đó cần thành tâm tự đặt ra các câu hỏi cần thiết: Trong việc này, mình có gì sai sót, hạn chế? Những hạn chế đó xuất phát từ đâu? Làm thế nào để khắc phục và cải thiện tình thế?  
(Nguồn: tam-sang.com)

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Ban kiểm soát phải 'đấu' với lãnh đạo doanh nghiệp

Ban kiểm soát cần “nói ngược” với Hội đồng quản trị, chỉ ra sai phạm pháp luật và điều lệ công ty của ban lãnh đạo, chứ không thể “dễ bảo” như thường thấy.

Có hiệu lực từ ngày 17/9/2012, một quy định mới lần đầu tiên buộc ban kiểm soát phải là đối trọng, phải “đấu” với ban lãnh đạo doanh nghiệp, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và cổ đông, thay vì là “cánh tay nối dài” của ban lãnh đạo doanh nghiệp như thường thấy.

Là người do đại hội cổ đông bầu ra, nhằm thực thi các nhiệm vụ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và cổ đông, nhưng ban kiểm soát, theo đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đang thể hiện vai trò khá mờ nhạt.

Theo thông lệ về quản trị công ty, để hoàn thành nhiệm vụ, cũng như phát huy đúng vị trí của mình, ban kiểm soát phải dám “nói ngược” với Hội đồng quản trị, ban giám đốc doanh nghiệp về những hành vi vi phạm pháp luật và điều lệ công ty của ban lãnh đạo doanh nghiệp, chứ không thể là người “dễ bảo” như thường thấy.

Ông Cung còn cho rằng, đang có sự nhầm lẫn ngay từ trong nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như của chính những người làm trong ban kiểm soát về vai trò, vị trí của ban kiểm soát. Lãnh đạo doanh nghiệp không biết vô tình hay hữu ý quên rằng ban kiểm soát có nhiệm vụ giám sát hoạt động của Hội đồng quản trị, mà coi đó như một phòng, ban trong doanh nghiệp. Trong khi đó, ban kiểm soát lại có tâm lý coi mình được ông chủ doanh nghiệp cất nhắc, nên giống như “cánh tay nối dài” của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

“Ban kiểm soát phải gồm những "người hay cãi", dám đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm điều lệ công ty của ban lãnh đạo doanh nghiệp, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, cổ đông...”, ông Cung nhấn mạnh.

Vì những hạn chế trong hoạt động mà tại không ít kỳ đại hội cổ đông của các công ty đại chúng, nhất là doanh nghiệp niêm yết, ban kiểm soát thường bị cổ đông chất vấn về những sai sót, thậm chí là vi phạm của Hội đồng quản trị, ban giám đốc đã không được thể hiện rõ trong báo cáo hoạt động của ban kiểm soát. Các cổ đông không giấu được sự thất vọng, thậm chí bức xúc vì hoạt động còn nặng hình thức của ban này.

Tuy nhiên, quy định mới sẽ buộc ban kiểm soát phải ra mặt “đấu” với ban lãnh đạo doanh nghiệp. Cụ thể, tại Thông tư 121/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng, có hiệu lực từ ngày 17/9/2012 có quy định, trường hợp ban kiểm soát phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty của các thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) điều hành và các cán bộ quản lý khác, ban kiểm soát phải thông báo bằng văn bản với Hội đồng quản trị trong vòng 48 giờ, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả. Sau 7 ngày kể từ ngày ra thông báo trên, nếu người có hành vi vi phạm không chấm dứt vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả, ban kiểm soát có trách nhiệm báo cáo trực tiếp với Ủy ban chứng khoán.

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn VFAM Việt Nam nhìn nhận, quy định mới trao quyền nhiều hơn cho ban kiểm soát để đảm đương nhiệm vụ giám sát Hội đồng quản trị, ban giám đốc doanh nghiệp hiệu quả hơn. “Tuy nhiên, giữa quy định với thực tiễn, bao giờ cũng tồn tại một khoảng cách, nên còn quá sớm để lạc quan rằng tình trạng hoạt động còn mang tính hình thức của ban kiểm soát tại không ít doanh nghiệp sẽ sớm được cải thiện…”, ông Tiền nói.

Cũng nhìn nhận quy định mới sẽ có tác động tích cực đến chất lượng hoạt động của ban kiểm soát, nhưng ông Cung có hai mối quan ngại.

Thứ nhất, Thông tư 121 quy định, sau khi yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả, mà họ không chấp hành, thì ban kiểm soát có trách nhiệm báo cáo trực tiếp với Ủy ban chứng khoán. Quy định như vậy là chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng, bởi sau khi báo cáo Ủy ban chứng khoán, thì cơ quan này giải quyết ra sao, kết quả xử lý được thông báo tới ban lãnh đạo doanh nghiệp hay ban kiểm soát? Chưa kể, ban kiểm soát là do đại hội cổ đông bầu ra, vậy thì ngoài báo cáo Ủy ban chứng khoán với tư cách là đơn vị giám sát công ty đại chúng, tại sao Thông tư 121 bỏ qua quy định rất quan trọng là buộc ban kiểm soát phải báo cáo đại hội cổ đông?

Thứ hai, ngoài công cụ báo cáo cơ quan quản lý, kinh nghiệm thực tế cho thấy, công cụ công khai thông tin sai phạm của ban lãnh đạo doanh nghiệp tới cổ đông, trên các phương tiện thông tin đại chúng, sẽ tạo sức ép buộc ban lãnh đạo doanh nghiệp khắc phục hậu quả do hành vi sai phạm gây ra. Thế nhưng, Thông tư 121 mới chỉ quy định về công cụ báo cáo Ủy ban chứng khoán, mà “quên” công cụ công khai thông tin, một quyền lực của ban kiểm soát trong hoạt động giám sát ban lãnh đạo doanh nghiệp. 

(Đầu tư chứng khoán)

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

LÒNG TỰ TRỌNG

Hôm qua tới giờ nghe nhiều về lòng tự trọng.

Vốn dĩ nó là một vấn đề hết sức bình thường, ai cũng phải có. Phàm là một người bình thường với một gia đình bình thường trong một nền giáo dục bình thường thì lòng tự trọng của mỗi người nó đương nhiên như mở mắt ra là sẽ gặp bình minh vậy...


Vậy mà hôm qua mấy ông quan Tiên Lãng bị bắt.

Bị bắt thì cũng bình thường, nếu như không biết những gì các ông ấy đã phát ngôn trước đó, 8, 9 tháng trước đó. Chao ơi, hồi ấy dương dương tự đắc như trời là của các ông ấy, như đất là trong túi các ông ấy.

Nếu tự trọng các ông ấy đã chả nói hung hăng thế, hoặc lỡ nói rồi thì xin lỗi, hoặc dũng cảm từ chức đi. Nhân dân sẽ khâm phục các ông, con cháu các ông sẽ tự hào về các ông...

Hôm qua mình viết trên fb: Tiên Lãng nhúc nhích rồi, tóm một chú khởi tố thêm ba chú cho tại ngoại rồi. Nhưng chú Khanh này theo gia đình anh Vươn thì lại là người chống lại cưỡng chế và ủng hộ gia đình nhà Vươn, huhu. Còn đ/c định viết sách dạy cưỡng chế phối hợp bộ đội công an dân phòng... thì vẫn chưa ra sách.

Trong khi ấy thì thủ tướng nhận lỗi trước quốc hội nhưng theo nhà báo Đào Tuấn thì dẫu nhận lỗi mà trong báo cáo của chính phủ toàn màu hồng phơi phới đi lên. Thế thì hà cớ gì phải nhận lỗi hè...

Chả hiểu gì hết...


Chỉ hiểu là, lòng tự trọng thời này nó hiếm kinh. Như mình chứng kiến có tên tham như mõ, vơ vét còn hơn mõ, nhưng mở mồm ra là nói chuyện... trong sạch, là chửi người khác tham, hu hu...

Là mình đọc báo thấy thủ tướng dặn các cháu sinh viên phải tự trọng "Nhưng PCTN không chỉ là luật, xử lý nghiêm theo luật, hành xử theo luật mà còn là giáo dục, giáo dục về đạo đức, lối sống, tư tưởng, lòng tự trọng và trách nhiệm với đất nước"... Sinh viên bây giờ may thật, thời mình, tự trọng là được bố mẹ dạy từ bé, là được hun đúc từ cái phông văn hóa của mỗi gia đình, chứ có mấy ai được thủ tướng căn dặn đâu? 

Mà mình nhé, ít nhất là mình, lòng tự trọng vẫn le lói...

Văn Công Hùng

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Không hoàn thành nhiệm vụ thì rút lui

"Nhân dân đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, thấy mình không hoàn thành thì rút lui”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói với cử tri quận 4, TP.HCM.   

Hôm nay – ngày thứ hai tiếp xúc với cử tri TP.HCM trước kỳ họp QH, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục chia sẻ những bức xúc trong chống tham nhũng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri quận 4, TP.HCM. Ảnh: Tá Lâm

Một lần nữa, trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, mặc dù Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định nhưng tình hình còn nhiều phức tạp, mức độ tham nhũng đang gia tăng hết sức nghiêm trọng.

“Tôi đề nghị cô bác, anh chị nào phát hiện thì chỉ cho chúng tôi những vụ tham nhũng lớn, những cán bộ nào to liên quan đến cấp Trung ương tham nhũng… Những vụ tham nhũng đã xử rồi mà thấy chưa thỏa đáng thì cũng nên bày tỏ chính kiến”, Chủ tịch nước nói.

Để nhấn mạnh đến chống tham nhũng, Chủ tịch nước đã nói về mình. “Các đồng chí bầu tôi, tôi biết phải làm gì. Khi thấy mình nhu nhược thì tôi sẽ làm đơn xin nghỉ. Thậm chí khi về quê, tôi sẽ trả lại nhà cho Đảng. Nhà tôi nhỏ thôi, 51 mét vuông, khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào. Bữa nay tôi nói dứt khoát như vậy” – ông Trương Tấn Sang nói.

“Tính tôi nói rất là thẳng, chứ khiêm tốn cái kiểu mà về nhà ấm ức là không được. Nhân dân đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, còn thấy mình không hoàn thành thì rút lui”, ông nói tiếp.

Chủ tịch nước cũng nhận khuyết điểm khi không bảo vệ được những người bị trù úm khi tố cáo tham nhũng. “Đúng là trong thực tế có những người đấu tranh chống tham nhũng bị trù dập, nhiều khi gia đình tan tác. Chúng tôi có lỗi lớn là không bảo vệ nổi những con người đó. Một số cán bộ nói với tôi rằng, nếu tôi đấu tranh thì chúng tôi có tồn tại được không? Tôi đã trả lời họ, nếu chúng ta hèn nhát thì làm đơn gửi cho Đảng chúng ta nghỉ, chúng ta rút lui đi để cho những người dũng cảm làm việc”, Chủ tịch nước khẳng định.

Tá Lâm
Nguồn: Vietnamnet

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Sự minh bạch của báo cáo

Ý nghĩa của Báo cáo tổng hợp tình hình kinh tế - xã hội của một địa phương, quốc gia trong một năm là cực kỳ quan trọng. Đó không những là thông tin để nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội trong một năm, mà còn là tư liệu đặc biệt ý nghĩa để các nhà quản lý, hoạch định chính sách sử dụng, tham khảo khi đưa ra các quyết định.

Báo cáo có chính xác, trung thực, minh bạch mới thể hiện đúng tình hình của nền kinh tế, hiện trạng của xã hội, qua đó mới có thể sử dụng giải pháp chính xác nhằm khắc phục hạn chế hay phát huy những ưu điểm, tiến bộ.

Các báo cáo cần được xem xét, phân tích kỹ lưỡng

Tuy thế, nhiều báo cáo đánh giá còn chưa sát với tình hình, số liệu báo cáo còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có thể thấy, hiện nay tình trạng các cơ quan, doanh nghiệp cố tình "làm đẹp” báo cáo là khá phổ biến. Để có một "báo cáo đẹp” trong nhiều trường hợp, những người làm báo cáo đã lờ đi các con số thống kê trung thực, phản ánh đúng tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị mình. Sau đó, qua các lần tổng hợp lại, sự vênh nhau, chênh lệch và sai số so với thực tế càng cao, đẩy đến việc những gì được thấy trong báo cáo hoàn toàn méo mó biến dạng so với thực tế. 

Mà một khi, các nhà quản lý, hoạch định chính sách lại dùng các thông tin báo cáo để làm cơ sở cho việc tìm ra thuốc chữa cho một căn bệnh thì không loại trừ khả năng bệnh sẽ nặng thêm.

Do vậy, không thể xem nhẹ việc báo cáo, bởi từ chính công việc mang tính “bếp núc” này, sự minh bạch, cụ thể, tường minh của các thông tin có hay không sẽ giúp chính chúng ta biết mình đang ở đâu, đã làm những gì và phải làm những gì để khắc phục những sai lầm. 

Theo Lê Cao (VietQ)

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Hậu sáp nhập, SHB thu hồi gần 450 tỷ đồng nợ xấu

Ngân hàng cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa báo cáo cập nhật về các chỉ tiêu chính sau một tháng sau khi sáp nhập Habubank. Theo đó, tính đến 28/9 SHB có tổng tài sản tăng 3,6%; tổng nguồn vốn huy động tăng 3,9%; dư nợ cho vay tăng 1,2% so với số liệu hợp nhất tại thời điểm sáp nhập.

Tính lũy kế từ thời điểm sáp nhập, số lượng khách hàng cá nhân tại SHB tăng thêm là hơn 9.600 khách hàng; khách hàng tổ chức tăng thêm là 182 khách hàng. Về số lượng tài khoản cá nhân tăng thêm 115.592 tài khoản và tăng thêm 2.713 tài khoản của các tổ chức kinh tế.

SHB cho biết sau một tháng sáp nhập, nhà băng hàng đã thu hồi được 448 tỷ đồng nợ xấu tại các đơn vị trước đây của Habubank. SHB cũng đặt mục tiêu đưa nợ xấu đến cuối năm 2012 của các đơn vị thuộc Habubank cũ xuống dưới 10%, nợ xấu của toàn hệ thống SHB xuống dưới 5%. Trước đó, số liệu trong đề án cho thấy, ngân hàng sáp nhập tính tại thời điểm 1/3/2012 có tỷ lệ nợ quá hạn là 21,32%, tỷ lệ nợ xấu là 12,88%.

SHB cũng vừa bổ nhiệm bà Đặng Tố Loan làm Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh SHB TP HCM. Thời hạn bổ nhiệm là 6 tháng để thử thách, kể từ ngày 9/10. Bà Đặng Thị Tố Loan sinh năm 1973, là Thạc sỹ Kinh tế chuyên ngành Tài chính Tín dụng.

Trước đó, ngày 15/9, SHB bổ nhiệm bà Bùi Thị Mai - nguyên Tổng giám đốc Habubank vào vị trí Phó tổng giám đốc SHB. Hiện Ban giám đốc của SHB có 8 Phó tổng.

Ngọc Tuyên (VNE)

CÓ NÊN HỌC TẬP CỔ ĐÔNG HAPOCO ?

Những chuyện “bi hài” tại Công ty Sứ Hải Dương 

(Dân trí) - Công ty cổ phần sứ Hải Dương (Hapoco) từng là niềm tự hào của người dân xứ Đông. Tiếc rằng, trong những năm qua, hàng trăm công nhân đồng loạt bỏ việc, nợ thuế nhà nước lên đến hàng tỷ đồng. Những chuyện “đau lòng” gì đang xảy ra tại đây?
Biết khi nào Công ty Sứ Hải Dương mới trở lại thời hoàng kim?
Báo Điện tử Dân trí nhận được đơn tố cáo của một số cán bộ, công nhân hiện đang công tác tại Công ty Cổ phần sứ Hải Dương phản ánh: Công ty Sứ Hải Dương trước đây đứng hàng đầu trong nước và khu vực Đông Nam Á về chất lượng sản phẩm. Thời điểm "hưng thịnh" đã có đến gần 2.000 cán bộ, công nhân làm việc ngày đêm. Vậy mà những năm qua, Công ty đã "lâm nạn", hàng trăm cán bộ, công nhân viên phải "về vườn".
 
Ngày 26/4/2009, Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương tiến hành đại hội cổ đông thường niên, quyết định tái cơ cấu doanh nghiệp, Công ty TNHH TM Ca Rin do ông Nguyễn Đỗ Hà và bà Vũ Lê Hoa làm đại diện được Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), chiếm 51% cổ phần, giới thiệu và đại hội quyết định làm cổ đông chiến lược. Sau đó, ông Hà và bà Hoa được bầu vào Hội đồng quản trị.
 
Thời gian đầu, cán bộ, công nhân viên Công ty háo hức, trông đợi, đặt niềm tin tràn trề vào Tổng Giám đốc Nguyễn Đỗ Hà vì nghĩ rằng với tuổi trẻ và tài năng của ông sẽ vực được Công ty Sứ Hải Dương đứng dậy, vươn lên trên thị trường. Nhưng trớ trêu thay, chỉ sau một thời gian ngắn, mọi hi vọng và trông đợi trên đã bị lụi tàn, tan như bong bóng. Những chuyện “bi hài” tưởng chừng không ai nghĩ đến lại xảy ra tại đây.
 
Lãi thì ít, lãnh đạo thưởng cao tít

Nội dung đơn tố cáo của một số cán bộ, công nhân viên Công ty Sứ Hải Dương nêu rõ: Với lý do xe của Công ty Sứ Hải Dương có phẩm cấp thấp, không đảm bảo sức khỏe để Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc đi làm, Tổng giám đốc Nguyễn Đỗ Hà đã ký hợp đồng thuê chính xe riêng của mình, với giá 18,7 triệu đồng/tháng từ hơn 3 năm nay. Nhiều công nhân cho rằng, điều đó thật khó chấp nhận khi mà Công ty sứ Hải Dương có tới 2 chiếc xe để phục vụ công ty và ban giám đốc.
 
Theo giải trình chi phí ứng trước ngày 5/3/2010, tại biên bản họp Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sứ Hải Dương, Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc của công ty có gia đình ở Hà Nội. Để thuận tiện cho việc đi lại, Tổng giám đốc Nguyễn Đỗ Hà đã ký hợp đồng thuê xe số 02 ngày 1/7/2010 của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Ca Rin (96 ngõ Thịnh Hào 1, phường Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội) do bà Nguyễn Thị Tố Hải làm Giám đốc (mà ông Hà và bà Vũ Lê Hoa, Phó tổng giám đốc Hapaco có vốn đầu tư) với giá 18,7 triệu đồng/tháng.
 
Điều khiến người lao động bức xúc hơn nữa là trong khi công ty đã thuê xe phục vụ việc đi lại cho lãnh đạo thì ông Hà lại cấp cả thẻ taxi cho bản thân ông, bà Vũ Lê Hoa và một số nhân viên của văn phòng Hà Nội, nhân viên văn thư của nhà máy.
 
Đơn tố cáo hàng loạt sai phạm của lãnh đạo Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương
Đơn tố cáo hàng loạt sai phạm của lãnh đạo Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương
gửi đến tòa soạn Báo Điện tử Dân trí
 
Trao đổi với PV Dân trí, bà Đoàn Thuý Ngà, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sứ Hải Dương bức xúc:
“Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc điều hành đã có thù lao 10% lợi nhuận của công ty, nhưng khoản thuê xe vẫn được tính riêng, 3 năm qua tốn gần 1 tỷ đồng. “Hợp đồng thuê xe để cho Tổng giám đốc đi làm trái với tờ trình ngày 3/5/2010 do ông Hà ký. Tại điểm 3.3 ghi rõ thù lao của Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc gồm chi phí xe ô tô và điện thoại”, bà Ngà nói.

Lãnh đạo lấy "tiền chùa" làm "tiền nhà"

Ngày 17/12/2010, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sứ Hải Dương Vũ Lê Hoa có tờ trình xin vay công ty 950 triệu đồng và thế chấp số cổ phiếu 1 tỷ đồng nằm trong số cổ phần vốn đầu tư là 8.645.900 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Ca Rin vào Hapoco (để trang trải công việc gia đình) và được chấp thuận. Thời hạn vay từ 25/12/2010 đến 25/12/2011.

Tuy nhiên, khi đến hạn, bà Hoa vẫn chưa trả số tiền gốc và lãi trong suốt 1 năm. Đến ngày 6/12/2011, bà Hoa tiếp tục xin công ty gia hạn cho bà vay 950 triệu đồng và số tiền lãi 146,3 triệu đồng thêm 1 năm nữa. Điều đáng nói là trong khi công ty đang nợ tiền trợ cấp thôi việc của công nhân và nợ đọng thuế nhiều năm (Công ty Sứ Hải Dương đã bị phạt 227 triệu vì chậm nộp thuế năm 2011), nhưng vẫn có gần 1 tỷ đồng cho bà Hoa vay.

Theo phản ánh của người lao động, kể từ khi tái cơ cấu, ban giám đốc công ty tích cực bán thanh lý bất cứ vật dụng gì để có tiền. Chẳng hạn, bộ cốc bạch kim đựng hoá chất thí nghiệm của công ty bán được hơn 200 triệu đồng.
Lãnh đạo công ty còn bán nhiều máy móc hỏng với số tiền mà ông Hà cho biết khoảng 700 triệu đồng. Nghịch lý ở chỗ, số tiền bán sắt vụn này cùng những khoản thu nhập khác như tiền cho thuê nhà 2,2 tỷ đồng, được lãnh đạo công ty tính vào lợi nhuận của quý IV năm 2011.

Bà Đoàn Thuý Ngà, thành viên Hội đồng quản trị Hapoco cho biết thêm:  “Ba quý đầu năm 2011, công ty thua lỗ nhưng ông Hà và bà Hoa không nộp phạt theo quy định. Đến quý IV năm 2011, ông Hà báo cáo kinh doanh có lãi nhưng thực ra tiền lãi không thu được từ hoạt động sản xuất (sản xuất lỗ 994 triệu đồng, theo báo cáo kinh doanh 2011).
 
Theo bà Ngà, lãi giả 1,1 tỷ đồng của năm 2011 nhưng nếu hạch toán đầy đủ thì phải lỗ hàng tỷ đồng. Giải thích về việc kê khai mức lãi giả này, bà Ngà cho biết là để ông Hà và bà Hoa được thưởng 10% lợi nhuận (115 triệu đồng) thay vì phải nộp phạt 10% (khoảng trên 300 triệu đồng).
 
Trước các dấu hiệu sai phạm trên, đề nghị cơ quan Công an, UBND tỉnh Hải Dương, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước khẩn trương vào cuộc làm rõ vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng trăm lao động, xử lý nghiêm các cá nhân có sai phạm để Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương sớm ổn định sản xuất.
 
Liên qua đến những “lình xình” đang xảy ra tại Công ty Sứ Hải Dương, khi trả lời phóng viên báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Qua thông tin báo chí, UBND tỉnh Hải Dương đã nắm bắt về những lình xình tại Công ty cổ phần Sứ Hải Dương. Về vụ việc này, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì cùng các sở ban ngành liên quan làm rõ những kiến nghị, tố cáo của công nhân, lao động.
 
Trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo tỉnh Hải Dương và cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh không dung túng, bao che bất cứ sai phạm nào của các cá nhân và doanh nghiệp trong tỉnh nói chung và Công ty cổ phần Sứ Hải Dương nói riêng.
 
Về thương hiệu sứ Hải Dương có nguy cơ bị mai một, ông Hiển cho biết: Lúc nào tỉnh cũng mong muốn công ty có người lãnh đạo có tầm, có tâm với nghề cùng tập thể người lao động tận tụy sáng tạo để gìn giữ và phát huy thương hiệu sứ Hải Dương, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

2012 - năm thay đổi tư duy của lãnh đạo

(VietQ.vn) - 2012 là năm đặc biệt khó khăn với lãnh đạo doanh nghiệp (DN). Tuy vậy, khủng hoảng là dịp để nhìn nhận và đánh giá lại công tác quản lý điều hành; đặc biệt là vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo trong phát triển bền vững DN.

Có thể coi 2012 là năm bản lề với sự thay đổi về tư duy quản lý điều hành kinh doanh của rất nhiều lãnh đạo DN.

Với chủ đề năm nay là Chất lượng lãnh đạo doanh nghiệp Việt, ngày nhân sự Việt Nam 2012 diễn ra từ chiều đến tối 14/10 đã thu hút rất đông khách mời là lãnh đạo, nhà quản lý nhân sự tại các doanh nghiệp... tham gia. Tại đây đã diễn ra các cuộc đối thoại nhằm chia sẻ cách thức quản lý nhân sự, kỹ năng lãnh đạo, cách đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn....
2012 được coi là năm thay đổi tư duy lãnh đạo. Ảnh: HRday

Chia sẻ trong ngày nhân sự Việt Nam, PGS. TS Lê Quân (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) - Trưởng ban tổ chức ngày nhân sự Việt Nam 2012, cho rằng trước khủng hoảng, quan điểm "nước nổi bèo nổi" thịnh hành, nhiều lãnh đạo luôn lạc quan là kinh tế Việt Nam chỉ có đi lên. Thậm chí 2011, nhiều DN còn tranh thủ khủng hoảng vì nghĩ rằng chu kỳ khủng hoảng ngắn. Trong khi quản trị rủi ro bản chất là tư duy phản biện của lãnh đạo, nhưng dường như lãnh đạo DN Việt chưa được trải nghiệm qua khủng hoảng nhiều nên trước đây coi nhẹ công tác quản trị rủi ro.

PGS. TS Lê Quân cũng chỉ ra rằng: điểm mạnh của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt là tiết kiệm, chống lãng phí, quản trị chất lượng, quản trị sản xuất; và các điểm yếu của họ hiện nay là quản trị rủi ro, marketing và quản trị nhân lực. Các mục tiêu ít được các nhà lãnh đạo ưu tiên như: nhân sự kế nhiệm, thời gian cho đào tạo nhân viên, thực hiện trách nhiệm xã hội.

Với kinh nghiệm cá nhân, trưởng ban tổ chức ngày nhân sự cho rằng, ba hành động cần ưu tiên của lãnh đạo là: nhân sự chủ chốt, dòng tiền và cơ hội thị trường.

Nhấn mạnh việc các DN Việt cần tư duy toàn cầu và hành động cụ thể, TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cao cấp, đưa ra lập luận rằng kinh
"Một doanh nhân thành đạt tại Mỹ có thể không cần bằng cấp vì họ được học quá nhiều lý thuyết hiện đại từ trường đời. Nhưng tại Việt Nam, để học lý thuyết tại trường đời là điều khó khăn khi mà nền kinh tế chúng ta đang trong chuyển đổi. Kinh nghiệm là quan trọng nhưng không thể mang kinh nghiệm chạy xe trên đường làng ra đường cao tốc".
PGS. TS Lê Quân
tế thế giới có thể rơi vào suy giảm và suy thoái, cuộc khủng hoảng nợ của Châu Âu có thể ảnh hưởng lan rộng. Các DN cần thiết lập thành nhóm để theo dõi tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và cả thế giới. Tiếp đến là cần học tập từ các bậc tiền bối, cụ thể là đại tướng Võ Nguyên Giáp, có chiến lược tiến lên và chiến lược rút lui. Khi có khó khăn, các DN cần dũng cảm đề ra phương cách rút lui và chờ cơ hội tiến lên. Tình hình đang biến đổi và biến đổi xấu nên các DN cần nghĩ đến phát triển bền vững, nghĩ đến lợi ích xã hội, tăng trưởng xanh, đó là xu hướng hiện nay.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với đối tác nước ngoài, Giám đốc chiến lược của tập đoàn FPT Nguyễn Hữu Thái Hòa dẫn chứng: "DN Nhật có một quan điểm rất hay là "Small is beautiful". Trong khi đó nhiều DN Việt cứ cho rằng phải ồn ào, phải hoành tráng, theo tôi là không cần thiết. Cho nên rõ ràng trong những năm đầu DN nên tập trung vào năng lực cốt lõi. Tôi xin khuyên DN vừa và nhỏ ba ý: Không nên chờ đợi sự giúp đỡ mà hãy tự mình cứu lấy mình. Một là tái cấu trúc chi phí. Hai là cần giữ chân nhân sự. Ba là cần suy nghĩ và tư duy chiến lược".

"Điều đầu tiên tôi quyết định tôi ở lại hay đi là người sếp. Một trong những nhược điểm của lãnh đạo Việt là không chịu lắng nghe cấp dưới. Người cấp dưới hiểu biết vấn đề đôi khi còn rõ hơn lãnh đạo. Do đó, để giữ chân người tài, nhà lãnh đạo cần khắc phục nhược điểm này", ông Hòa chia sẻ thêm.

TS. Lê Đăng Doanh cũng dẫn ra vài ví dụ trong việc quản lý nhân sự: "Cách tốt nhất để giữ được người tài là cần trung thực và chân thành. Chúng ta cần học hỏi Bác Hồ, là người rất tin cậy người dưới, đối xử với người dưới với sự chân thành, cởi mở. Lãnh đạo doanh nghiệp Việt cần tránh sự độc đoán, gia trưởng. Như Nguyễn Trãi đã nói: Lấy chí nhân để thay cường bạo, đem chính nghĩa để thắng hung tàn. Nhật Bản có những DN rất nhỏ, chỉ 30 người thôi nhưng đã sản xuất ra những linh kiện cho máy bay Boeing và họ vẫn duy trì được sản xuất ổn định lâu dài.

Trong phần đối thoại của mình với các khách mời, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, cho biết: Người lao động đi làm ai cũng muốn lương cao. Tuy nhiên, Phú Thái đã thực hiện khảo sát và cho thấy yếu tố người lao động đề cao nhất là môi trường, được thể hiện qua mối quan hệ giữa người chủ và nhân viên, hay đó là môi trường được đào tạo… Do đó, chúng tôi cam kết tạo một môi trường làm việc cho người lao động bao gồm các yếu tố: môi trường tạo được sự cạnh tranh, môi trường người lao động có cơ hội được đào tạo và môi trường thân thiện như gia đình.

Đức Thắng

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Doanh nhân và trọc phú

(Dân trí) - Ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã nói một câu rất thú vị: Một đất nước muốn giàu mạnh và phát triển phải biết yêu doanh nhân, và doanh nhân muốn được yêu phải biết nghĩ cho xã hội.

(Minh họa: Hồng Anh)
(Minh họa: Hồng Anh)
Câu nói đó của ông Đặng Lê Nguyên Vũ được tiếp lời bởi câu chuyện của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trong buổi phát động một chương trình hành động của doanh nhân Việt, rằng cách đây mấy năm khi ông đến Ấn Độ, ông đã rất buồn khi nhân viên lễ tân trả lời ông rằng cô ấy không biết tới Việt Nam. Cô lễ tân lý giải: “Tôi biết tới Thái Lan vì sử dụng hàng tiêu dùng của họ. Tôi biết Nhật Bản vì xe Toyota chạy đầy đường Ấn Độ. Ở đây không có hàng hóa nào của Việt Nam, nên thú thực tôi không biết về Việt Nam”.
Câu chuyện nhỏ đó cho thấy một mối quan hệ lớn hơn giữa thương hiệu của một mặt hàng, một ngành hàng với thương hiệu quốc gia. Nước Nhật được thế giới nể phục gọi là hiện tượng thần kỳ trong phát triển kinh tế từ sau Thế chiến thứ II có một phần đóng góp rất lớn của những tên tuổi như Toyota, Honda, Mitsubishi, Sony…  Những con người đằng sau các tên tuổi ấy không ai khác là những doanh nhân.
Ở Việt Nam, từ những năm đầu thập kỷ 1990 đến nay cũng đã sản sinh nhiều doanh nghiệp lớn, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước từ một nền kinh tế lạc hậu thành một quốc gia có thu nhập trung bình.
Họ góp phần tạo ra GDP, giải quyết việc làm, kéo đất nước đi lên. Cũng đã có không ít thương hiệu vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, trở thành thương hiệu quốc tế. Và những thương hiệu đó, đã mang cái tên Việt Nam đến với thế giới.
Nhưng ở Việt Nam, có bao nhiêu người làm kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp được gọi là doanh nhân? Bao nhiêu người làm kinh doanh xứng đáng được yêu quý? Đó vẫn là một câu hỏi lớn, gắn với một câu hỏi cơ bản hơn: Doanh nhân là ai?
Ông Nguyễn Liên Phương - Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam gọi doanh nhân là người trả lương và đóng đầy đủ các loại bảo hiểm cho người lao động.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ gọi doanh nhân là người biết làm giàu không chỉ cho mình, mà còn làm cho xã hội phát triển.
Hai định nghĩa, tưởng đơn giản, nhưng nếu chiếu theo đó thì ở Việt Nam có bao nhiêu người kinh doanh, chủ doanh nghiệp thực sự là doanh nhân? Có lẽ không quá nhiều.
Ở Việt Nam, có rất nhiều người lắm tiền một cách bí ẩn trước khi làm kinh doanh, những người mà trước khi xã hội bắt đầu biết đến sự có mặt của họ thì họ đã rất giàu có.
Ở Việt Nam, còn rất nhiều công nhân chưa được đối xử đúng luật lao động và danh sách cần truy thu của cơ quan bảo hiểm xã hội và thuế vụ chưa năm nào được rút ngắn.
Ở Việt Nam, còn rất nhiều kiểu làm giàu bằng cách không tạo ra giá trị mới cho xã hội, hoặc tệ hơn, kéo lùi sự phát triển của xã hội.
Ở Việt Nam, còn dư địa cho lối làm ăn kiểu đầu cơ, mua đi bán lại, làm giả làm nhái, ký sinh vào cơ chế và sự lỏng lẻo trong quản lý để làm giàu một cách bất chính, hoặc phân chia lại tài sản xã hội theo hướng đặc lợi dành cho người có đặc quyền.
Ở Việt Nam, có rất nhiều người kinh doanh khởi đầu bằng khát vọng doanh nhân trong sáng nhưng kết thúc bằng sự tha hóa, biến chất, thậm chí là tù tội, lao lý…
Ở Việt Nam, cũng có không ít người mang nặng ước mơ lúc thân phận còn thấp, nhưng sớm thỏa mãn và chạy theo hưởng thụ cá nhân khi đã thu được ít nhiều thành quả; cái mà giới làm ăn hay gọi là bệnh “bò no chán cỏ”.
Tất cả những lối nghĩ, lối làm đó đều không phản ánh tính cách, bản ngã của một doanh nhân. Nói thẳng hơn, đó là lối thể hiện gần hơn với bản chất trọc phú.
Điều đáng tiếc, là số người này không hề nhỏ. Nên không khó hiểu, khi một bộ phận người Việt có tâm lý "ghét người giàu". Cũng không quá khắt khe, khi có người ngoa dụ ví von rằng "doanh nhân là những tù nhân dự khuyết".
Trong bối cảnh nền kinh tế đang bước đi giữa những chông gai, kỳ vọng đặt vào vai giới doanh nhân là rất lớn. Nếu trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đoàn quân tiên phong là những người lính thì trong thời kỳ đất nước hướng tới sự thịnh đạt, đội ngũ đi đầu không ai khác là doanh nhân.
Và cũng trong cái chông gai này, sự khác biệt giữa doanh nhân và trọc phú sẽ ngày càng lộ rõ hơn.
Doanh nhân với trí tuệ, khát vọng, phương pháp và bản lĩnh sẽ giúp đất nước, xã hội bước qua những khó khăn. Trọc phú với sự mánh khóe, bản chất ký sinh, sự liều lĩnh và làm giàu bất chấp sẽ dễ dàng lộ diện.
Sự tồn tại song song, đối lập và đôi khi đan xen giữa doanh nhân và trọc phú cũng là một phần trong Qui luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập trong triết học. Sẽ không có một nền kinh tế chỉ có doanh nhân, cũng không có một xã hội toàn trọc phú.
Giá trị của một trọc phú có thể đo đếm dễ dàng qua chiếc siêu xe triệu đô, biệt thự hạng sang, bộ sưu tập sinh vật "sách đỏ" hay những thú vui xa xỉ. Giá trị của một doanh nhân, khó hơn, được đo đếm bằng tổng giá trị mà người đó tạo ra cho xã hội, cho cộng đồng.
Nhưng xã hội tiến bộ sẽ tìm được cách phân biệt để tôn vinh, yêu quý và ghi nhận sự đóng góp của những doanh nhân chân chính trong tiến trình phát triển của mình.
Và xã hội tiến bộ sẽ vạch mặt, lên án những kẻ trọc phú làm giàu bất chính bằng cách gặm mút tài nguyên, bóc lột lao động, lũng đoạn thị trường, xây nhóm lợi ích và vơ vét tài sản xã hội thành tài sản của mình.
Cô lễ tân người Ấn Độ trong câu chuyện của ông Vũ Tiến Lộc, trong tương lai có biết tới Việt Nam hay không, một phần không nhỏ xuất phát từ việc xã hội ta có biết yêu doanh nhân hay không, và những người đang ngồi ghế doanh nhân có xứng đáng với tình yêu đó hay không.
Và bạn, bạn muốn gửi gắm lời nào tới những doanh nhân? Lời nào dành cho trọc phú? 
Lê Hồng Kỹ

TƯ DUY TÍCH CỰC - ĐỘNG LỰC SỐNG LÀNH MẠNH, HIỆU QUẢ


Chẳng ai sinh ra là tích cực hay tiêu cực. Điều đó phụ thuộc vào sự lựa chọn có ý thức hoặc vô ý thức về thái độ sống của con người. “Bạn là sản phẩm của sự di truyền, môi trường, thể xác, tâm trí và tiềm thức. Bạn chịu ảnh hưởng của không gian, thời gian, và hơn thế là những sức mạnh vô hình mà bạn có thể hoặc không thể tự nhận biết. Khi suy nghĩ với tinh thần tích cực, bạn có thể tác động, sử dụng, điều khiển, hoà hợp hay cân bằng lại bất cứ, hoặc tất cả các yếu tố trên. Bạn đủ khả năng định hướng cho suy nghĩ, làm chủ cảm xúc và tạo ra số phận của mình. Bạn là tinh thần trong một thể xác. - W. Clement Stone


Những người tư duy tích cực sống lạc quan, yêu đời, hòa đồng với mọi người, bao dung, khiêm tốn, tự chủ, dùng ngôn từ nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, học hỏi để hoàn thiện bản thân. Họ sống với hoài bão, mục tiêu rõ ràng, tự tin, dám đương đầu với khó khăn thách thức và quyết tâm đi đến cùng để hiện thực hóa giấc mơ của mình. Chính những phẩm chất đó giúp họ khơi dậy những khả năng tiềm ẩn của bản thân, giữ được tâm trạng quân bình, cởi mở, tạo dựng được những mối quan hệ tốt đẹp và tìm ra được những giải pháp sáng tạo, hữu hiệu trong mọi tình huống. Họ là những người làm chủ vận mệnh của mình và có ảnh hưởng tích cực đối với những người xung quanh.


Những người có xu hướng tư duy tiêu cực thường nghĩ theo lối mòn và hành động theo thói quen, không tự tin, ngại khó, sợ thay đổi, thiếu sáng tạo. Họ sống thiếu mục tiêu, hoài bão, thiếu ý chí hành động, sợ thất bại, thường buông xuôi trước khó khăn, trở ngại, cam chịu, nhưng luôn tìm lý do để biện minh, không dám tự chịu trách nhiệm. Người tư duy tiêu cực luôn tìm nguyên nhân bên ngoài, trong khi người tư duy tích cực trước tiên tìm nguyên nhân từ chính bản thân họ. Do thiếu những mục tiêu cao đẹp, họ thường suy nghĩ vụn vặt, hẹp hòi, kiểm soát bản thân kém, dùng ngôn từ nặng nề. Những nhược điểm nói trên làm cho họ khó gần, kém hòa hợp và hợp tác. Họ thường để cho ngoại cảnh quyết định vận mệnh của mình. Tư duy tiêu cực chẳng những có tác hại đến bản thân mà còn có thể ảnh hưởng không tốt đến người khác. Không có gì lãng phí năng lượng sống bằng sự nuôi dưỡng tư duy tiêu cực.


Đừng để những tư tưởng tiêu cực lôi cuốn mình. Hãy luôn sống với niềm tin và khát vọng. Khi gặp khó khăn trở ngại, hãy tự hỏi: ta có thể tìm được cơ hội nào trong tình huống này? Đó là cách tự nạp năng lượng và nguồn cảm hứng của mình bằng những suy nghĩ tích cực!

Theo: tam-sang.com

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Để có cơ hội cạnh tranh, cần thay đổi tư duy “nhà lãnh đạo”

Khủng hoảng kinh tế, bên cạnh những khó khăn còn là cơ hội để các doanh nhân nhìn lại một cách khách quan về những hạn chế, khiếm khuyết của doanh nghiệp, từ đó tìm ra giải pháp chống đỡ với những rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hội thảo "Khủng hoảng kinh tế - cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp" - do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Công ty CP Tri thức Doanh nghiệp Quốc tế và Báo Doanh Nhân Sài Gòn đồng phối hợp tổ chức sáng 9/10/2012 - là diễn đàn để các doanh nghiệp cùng các chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và cùng hướng tới giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Đây cũng là một trong những hoạt động chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 của các đơn vị tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO cho rằng, việc tự đánh giá lại mình, tái cấu trúc, điều chỉnh và xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình mới là điều DN nên làm, nhất là trong giai đoạn DN đang đứng trước khủng hoảng kinh tế như hiện nay.
Theo đó, có 2 giải pháp dành cho đối tượng DN mạnh và DN vừa, nhỏ. Cụ thể, đối với DN vừa, nhỏ phải nhanh chóng hợp tác, sáp nhập để tăng thêm sức mạnh và bổ trợ nhau. Còn với các DN mạnh thì đây là cơ hội để họ “vẫy cánh”, mua lại các DN tiềm năng nhằm tăng vốn, thay phương pháp quản trị, thậm chí thay “ngôi” những lãnh đạo không theo kịp biến động của thị trường.

Đứng ở vai trò nhà điều hành, ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP phát triển Nhà Thủ Đức cũng đề ra các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN căn cứ vào 4 yếu tố: nguồn vốn, công nghệ, nguồn nhân lực và các giá trị vô hình, để các DN ứng dụng.

Tuy nhiên, với tiềm lực lẫn “tuổi đời” còn khá trẻ, việc tái cấu trúc vẫn là chuyện khiến nhiều DN Việt Nam "lấn cấn". Dẫn chứng từ kết quả khảo sát của Vietnam Report đối với các DN trong nhóm Fast500, 75% số DN được hỏi cho rằng ngân hàng là kênh huy động vốn kinh doanh khả thi hơn so với những kênh khác, cho thấy đây chính là vấn đề căng thẳng và thể hiện điểm yếu của đại đa số DN Việt Nam.

Một vấn đề khó nữa, theo ông Hiếu là kinh tế Việt Nam từ đầu năm 2012 đến nay còn gặp nhiều khó khăn, như lạm phát đã được kiểm soát tốt và đạt mức thấp nhưng đang có dấu hiệu tăng nhanh trở lại trong thời gian tới, bên cạnh những bất ổn vĩ mô, xuất nhập khẩu, thị trường chứng khoán và bất động sản vẫn tiếp tục trì trệ đã kéo niềm tin đầu tư và tiêu dùng giảm mạnh.

Do đó “cơ hội là phải xuất phát từ bản lĩnh, nếu nhà điều hành DN không có điều này thì rất khó để chạm đến cơ may trên. Song, tình hình hiện nay của các DN là luôn trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng, để bản thân tự vực lên sẽ không dễ, đòi hỏi phải có sự tiếp sức của nhà nước, có như vậy mới vừa tạo ra cơ hội đầu tư và vừa có giải pháp để tăng tốc cho DN”, ông Hiếu nói.

Lấy kết quả từ thực tế, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Phó tổng giám đốc PNJ cũng chia sẻ, việc tái cấu trúc phụ thuộc vào nhà điều hành, đôi khi DN đang “ăn nên làm ra” vẫn chấp nhận tiến hành tái cấu trúc. Lấy điển hình từ DN mình đang làm, ông Quỳnh nhấn mạnh, vấn đề là phụ thuộc vào thời điểm, thị trường lẫn tiềm lực DN.

Trên thực tế, các chuyên gia, nhà điều hành DN vẫn cho rằng, cơ hội vẫn luôn tiềm ẩn trong khó khăn, do đó, hội thảo còn là cơ hội để các DN, các nhà quản lý cùng trao đổi, thảo luận, tư vấn các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua khủng hoảng.

Chia sẻ tại hội thảo, luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch thường trực HUBA, cũng phác họa những cơ hội từ khủng hoảng và cho rằng, để biến những khó khăn thành lợi thế, các DN phải nhìn thấy những thay đổi sắp diễn ra, đồng thời nắm bắt và trang bị cho mình những phương pháp, kỹ năng mới, giúp DN tận dụng tối đa những thay đổi đó.

Đúc kết những kinh nghiệm để vượt qua khủng hoảng, ông Đặng Đức Thành - Ủy viên BCH Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, để có cơ hội cạnh tranh, DN cần thay đổi tư duy “nhà lãnh đạo”, nâng cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, đối mặt với những khó khăn, không đùn đẩy hoặc né tránh trách nhiệm. Hơn nữa, cũng cần tập trung xây dựng thương hiệu cá nhân, xây dựng chiến lược kinh doanh trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng




Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng. Thông tư bao gồm 9 chương, 38 điều quy định về quản trị công ty và phụ lục Điều lệ mẫu kèm theo áp dụng cho công ty đại chúng.

Đảm bảo quyền và nghĩa của cổ đông
Thông tư quy định rõ quyền và các nghĩa vụ của cổ đông, trong đó cổ đông có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các văn bản pháp luật liên quan và Điều lệ công ty, đặc biệt là: quyền tự do chuyển nhượng cổ phần đã được thanh toán đầy đủ và được ghi trong sổ cổ đông của công ty, trừ một số trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và quyết định của Đại hội cổ đông; quyền được đối xử công bằng. Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho cổ đông sở hữu các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau. Trường hợp công ty có các loại cổ phần ưu đãi, các quyền và nghĩa vụ gắn liền với các loại cổ phần ưu đãi phải được công bố đầy đủ cho cổ đông và phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua; quyền được thông báo đầy đủ thông tin định kỳ và thông tin bất thường về hoạt động của công ty; quyền và trách nhiệm tham gia các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được uỷ quyền hoặc thực hiện bỏ phiếu từ xa; quyền được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần trong công ty
Cổ đông có quyền bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình. Trong trường hợp quyết định của Đại hội đồng cổ đông, quyết định của Hội đồng quản trị vi phạm pháp luật hoặc vi phạm những quyền cơ bản của cổ đông theo quy định của pháp luật, cổ đông có quyền đề nghị huỷ quyết định đó theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Trường hợp các quyết định vi phạm pháp luật gây tổn hại tới công ty, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc (Tổng Giám đốc) điều hành phải đền bù cho công ty theo trách nhiệm của mình. Cổ đông có quyền yêu cầu công ty bồi thường tổn thất theo quy định của pháp luật.
Thông tư cũng nêu rõ trách nhiệm của các cổ đông lớn. Theo đó, các cổ đông lớn không được lợi dụng ưu thế của mình gây tổn hại đến các quyền, lợi ích của công ty và các cổ đông khác; cổ đông lớn có nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định của pháp luật.
Thông tư dành 2 khoản của Điều 5 để quy định về Điều lệ công ty. Theo đó, Điều lệ công ty không được trái với các quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan; công ty đại chúng tham chiếu Điều lệ mẫu tại Phụ lục của Thông tư này để xây dựng Điều lệ công ty
Công ty đại chúng cũng phải xây dựng và công bố trên trang thông tin điện tử của công ty quy định về trình tự, thủ tục triệu tập và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các văn bản pháp luật liên quan và Điều lệ công ty; tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục về triệu tập Đại hội đồng cổ đông theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và các quy định nội bộ của công ty. Công ty đại chúng phải công bố thông tin về việc chốt danh sách cổ đông có quyền tham dự họp Đại hội đồng cổ đông tối thiểu năm ngày trước ngày chốt danh sách. Công ty đại chúng không được hạn chế cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông, phải tạo điều kiện cho cổ đông thực hiện việc uỷ quyền đại diện tham gia Đại hội đồng cổ đông hoặc bỏ phiếu bằng thư bảo đảm khi cổ đông có yêu cầu. Công ty đại chúng phải hướng dẫn thủ tục uỷ quyền và lập giấy uỷ quyền cho các cổ đông theo quy định…
Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị trình Đại hội đồng cổ đông thường niên tối thiểu phải bao gồm các nội dung sau: đánh giá tình hình hoạt động của công ty trong năm tài chính; hoạt động, thù lao và chi phí hoạt động của Hội đồng quản trị và từng thành viên Hội đồng quản trị; tổng kết các cuộc họp của Hội đồng quản trị và các quyết định của Hội đồng quản trị; kết quả giám sát đối với Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành; kết quả giám sát đối với các bộ phận quản lý khác; các kế hoạch trong tương lai
Về trách nhiệm công bố thông tin của Công ty đại chúng, Thông tư quy định công ty đại chúng có nghĩa vụ công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin định kỳ và bất thường về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính và tình hình quản trị công ty cho cổ đông và công chúng. Thông tin và cách thức công bố thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Ngoài ra, công ty đại chúng phải công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin khác nếu các thông tin đó có khả năng ảnh hưởng đến giá chứng khoán và ảnh hưởng đến quyết định của cổ đông và nhà đầu tư; Việc công bố thông tin được thực hiện theo những phương thức nhằm đảm bảo cổ đông và công chúng đầu tư có thể tiếp cận một cách công bằng. Ngôn từ trong công bố thông tin cần rõ ràng, dễ hiểu và tránh gây hiểu lầm cho cổ đông và công chúng đầu tư
Đối với thông tin về quản trị công ty: Công ty đại chúng phải công bố thông tin về tình hình quản trị công ty tại các kỳ Đại hội cổ đông thường niên và trong Báo cáo thường niên của công ty theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; công ty đại chúng có nghĩa vụ báo cáo định kỳ 06 tháng và công bố thông tin về tình hình quản trị công ty theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán
Xử lý sai phạm
Các công ty đại chúng, các tổ chức và cá nhân có liên quan phải chịu sự giám sát về quản trị công ty của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật
Các công ty đại chúng, các tổ chức và cá nhân có liên quan vi phạm hoặc không thực hiện quy định tại Thông tư này tuỳ theo tính chất, mức độ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 17/9/2012 và thay thế Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC này 13/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán/ trung tâm giao dịch chứng khoán, Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC ngày 19/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán/ Trung tâm giao dịch chứng khoán.

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính

NGHĨA VỤ CÔNG BỐ THÔNG TIN CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẠI CHÚNG

Để minh bạch hoá các thông tin về hoạt động của các công ty cổ phần đại chúng, pháp luật Việt Nam quy định về nghĩa vụ công bố thông tin của các doanh nghiệp này như sau:
Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005:
Điều 104. Thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông:
Quyết định của Đại hội đồng cổ đông phải được thông báo đến cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày quyết định được thông qua.
Điều 106. Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông:
Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông phải làm xong và thông qua trước khi bế mạc cuộc họp. Chủ toạ và thư ký cuộc họp phải liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của nội dung biên bản. Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông phải được gửi đến tất cả cổ đông trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày bế mạc cuộc họp.
Thông tư số 52/2012/TT-BTC ngày 05 tháng 4 năm 2012 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán”:
Điều 7. Công bố thông tin định kỳ
1. Báo cáo tài chính năm
Công ty đại chúng phải công bố thông tin về Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán chậm nhất là mười (10) ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán độc lập ký báo cáo kiểm toán. Thời hạn công bố thông tin Báo cáo tài chính năm không quá chín mươi (90) ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Nội dung cụ thể như sau:                                       
1.1. Báo cáo tài chính năm của công ty đại chúng bao gồm: Bảng cân đối kế toán; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Bản thuyết minh Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật về kế toán.
1.2. Trường hợp công ty đại chúng là công ty mẹ của một tổ chức khác thì nội dung công bố thông tin về Báo cáo tài chính năm bao gồm Báo cáo tài chính năm của công ty mẹ và Báo cáo tài chính năm hợp nhất.
 1.3. Công ty đại chúng phải công bố đầy đủ nội dung thông tin về Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trên trang thông tin điện tử của công ty đại chúng và trên phương tiện công bố thông tin của UBCKNN, SGDCK (trường hợp là tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch), đồng thời đăng tải ý kiến kiểm toán về Báo cáo tài chính năm trên một (01) số báo có phạm vi phát hành trong toàn quốc kèm theo địa chỉ trang thông tin điện tử đăng tải toàn bộ Báo cáo tài chính năm, Báo cáo kiểm toán và/hoặc địa chỉ cung cấp Báo cáo tài chính năm và báo cáo kiểm toán để nhà đầu tư tham khảo;
1.4. Báo cáo tài chính năm và Báo cáo kiểm toán về Báo cáo tài chính năm phải được lưu trữ bằng văn bản và dữ liệu điện tử ít nhất mười (10) năm tiếp theo tại trụ sở chính của công ty để nhà đầu tư tham khảo.
2. Báo cáo thường niên
Công ty đại chúng phải lập Báo cáo thường niên theo Phụ lục II kèm theo Thông tư này và công bố thông tin về Báo cáo thường niên chậm nhất là hai mươi (20) ngày sau khi công bố Báo cáo tài chính năm được kiểm toán. Việc công bố thông tin phải được thực hiện trên các ấn phẩm, trang thông tin điện tử của công ty đại chúng, phương tiện công bố thông tin của UBCKNN, SGDCK (trường hợp là tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch) và lưu trữ bằng văn bản và dữ liệu điện tử ít nhất mười (10) năm tiếp theo tại trụ sở chính của công ty để nhà đầu tư tham khảo. Thông tin tài chính trong Báo cáo thường niên phải phù hợp với Báo cáo tài chính năm được kiểm toán.
 3. Báo cáo tình hình quản trị công ty
Công ty đại chúng phải thực hiện công bố thông tin theo quy định của pháp luật về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng, cụ thể như sau:
3.1. Định kỳ sáu (06) tháng và năm công ty đại chúng phải công bố thông tin về tình hình quản trị công ty theo Phụ lục III kèm theo Thông tư này, đồng thời báo cáo UBCKNN, SGDCK (trường hợp là tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch). Thời hạn báo cáo và công bố thông tin Báo cáo tình hình quản trị công ty sáu (06) tháng và năm chậm nhất là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo;
3.2. Công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin theo quy định tại điểm 3.1 Điều này trên trang thông tin điện tử của công ty đại chúng và trên phương tiện công bố thông tin của UBCKNN, SGDCK (trường hợp là tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch).
4. Họp Đại hội đồng cổ đông
4.1. Công ty đại chúng phải công bố thông tin định kỳ về Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên;
4.2. Công ty đại chúng phải công bố toàn bộ tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên/bất thường, bao gồm: thông báo mời họp, mẫu chỉ định đại diện theo uỷ quyền dự họp, chương trình họp, phiếu biểu quyết, các tài liệu thảo luận làm cơ sở thông qua quyết định và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp trên trang thông tin điện tử đồng thời với việc gửi thông báo về việc mời họp và hướng dẫn truy cập trang thông tin điện tử về việc họp và tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông cho các cổ đông trước khi khai mạc họp Đại hội đồng cổ đông chậm nhất là mười lăm (15) ngày.
5. Công bố thông tin về việc chào bán chứng khoán và tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán
Công ty đại chúng thực hiện chào bán chứng khoán phải tuân thủ quy định về công bố thông tin theo quy định pháp luật về chào bán chứng khoán.
Trường hợp công ty đại chúng chào bán chứng khoán ra công chúng để huy động vốn cho dự án đầu tư, định kỳ sáu (06) tháng, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, công ty đại chúng phải báo cáo UBCKNN và phải công bố thông tin trên các ấn phẩm, trang thông tin điện tử của công ty đại chúng và trên phương tiện công bố thông tin của UBCKNN, SGDCK (trường hợp là tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch) về tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng vốn, công ty đại chúng phải công bố thông tin về lý do và Quyết định/Nghị quyết của Hội đồng quản trị/Đại hội đồng cổ đông về sự thay đổi đó trước khi có sự thay đổi. Công ty đại chúng thực hiện báo cáo và công bố thông tin trên cho đến khi giải ngân hết vốn huy động được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Điều 8. Công bố thông tin bất thường
1. Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
1.1. Tài khoản của công ty tại ngân hàng bị phong toả hoặc được phép hoạt động trở lại sau khi bị phong toả;
1.2. Tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh; bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép hoạt động;
1.3. Nghị quyết/Quyết định của Đại hội đồng cổ đông (kèm theo Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc Biên bản kiểm phiếu) về việc thông qua các quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điều 96 của Luật Doanh nghiệp;
1.4. Quyết định của Hội đồng quản trị về việc mua lại cổ phiếu của công ty mình hoặc bán lại số cổ phiếu đã mua; ngày thực hiện quyền mua cổ phiếu của người sở hữu trái phiếu kèm theo quyền mua cổ phiếu hoặc ngày thực hiện chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi sang cổ phiếu; quyết định chào bán chứng khoán ra nước ngoài và các quyết định liên quan đến việc chào bán theo quy định tại khoản 2 Điều 108 của Luật Doanh nghiệp; chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và  kế hoạch kinh doanh hàng năm của công ty;
1.5. Nghị quyết/Quyết định của Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị (kèm Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc Biên bản kiểm phiếu) về mức cổ tức, hình thức trả cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng; về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp; tách, gộp cổ phiếu;
1.6. Báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ, ý kiến không chấp nhận hoặc ý kiến từ chối của tổ chức kiểm toán đối với Báo cáo tài chính; công bố công ty kiểm toán đã ký hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính năm; thay đổi công ty kiểm toán (sau khi đã ký hợp đồng) hoặc việc từ chối kiểm toán Báo cáo tài chính của công ty kiểm toán; kết quả điều chỉnh hồi tố Báo cáo tài chính (nếu có);
1.7. Khi có sự thay đổi nhân sự chủ chốt của công ty (thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc/Phó Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc/Phó tổng Giám đốc, Giám đốc Tài chính, Kế toán trưởng, Trưởng phòng tài chính kế toán);
1.8. Có quyết định khởi tố, bản án, quyết định của Tòa án đối với thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Giám đốc, Giám đốc Tài chính, Kế toán trưởng, Trưởng phòng tài chính kế toán, Thành viên Ban kiểm soát của công ty; có quyết định khởi tố, bản án, quyết định của Toà án liên quan đến hoạt động của công ty; có kết luận của cơ quan thuế về việc công ty vi phạm pháp luật về thuế;
1.9. Khi có thông báo của Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp;
1.10. Quyết định vay hoặc phát hành trái phiếu có giá trị từ ba mươi phần trăm (30%) vốn chủ sở hữu trở lên tính tại Báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán hoặc Báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét; Quyết định phát hành trái phiếu chuyển đổi;
1.11. Công ty nhận được thay đổi nội dung liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép hoạt động;
1.12. Khi có sự thay đổi số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành do phát hành thêm; mua, bán cổ phiếu quỹ tính tại thời điểm chứng khoán chính thức được đăng ký tại TTLKCK;
1.13. Khi xảy ra các sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình quản trị của công ty.
2. Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn bảy mươi hai (72) giờ khi có quyết định về việc thành lập, mua, bán hoặc giải thể công ty con, đầu tư hoặc không còn đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.
3.  Công ty đại chúng phải công bố thông tin về các sự kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trên các ấn phẩm, trang thông tin điện tử của công ty đại chúng và trên các phương tiện công bố thông tin của UBCKNN, SGDCK (trường hợp là tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch). Nội dung công bố thông tin bất thường phải nêu rõ sự kiện xảy ra, nguyên nhân, kế hoạch và các giải pháp khắc phục (nếu có).
4. Công bố thông tin liên quan đến ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu
Công ty đại chúng phải báo cáo và nộp đầy đủ các tài liệu căn cứ pháp lý liên quan đến ngày đăng ký cuối cùng dự kiến thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu cho TTLKCK, SGDCK (trường hợp là tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch) và báo cáo UBCKNN chậm nhất là mười (10) ngày làm việc trước ngày đăng ký cuối cùng dự kiến.
Điều 9. Công bố thông tin theo yêu cầu
1. Công ty đại chúng phải công bố thông tin trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ, kể từ khi nhận được yêu cầu của UBCKNN, SGDCK (trường hợp là tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch) trong các sự kiện sau đây:
1.1. Khi xảy ra sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư;
1.2. Có thông tin liên quan đến công ty đại chúng ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán và cần phải xác nhận thông tin đó.
2. Công ty đại chúng phải công bố thông tin theo yêu cầu trên các ấn phẩm, trang thông tin điện tử của công ty đại chúng, phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện công bố thông tin của UBCKNN, SGDCK (trường hợp là tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch). Nội dung công bố thông tin phải nêu rõ sự kiện được UBCKNN, SGDCK yêu cầu công bố; nguyên nhân và đánh giá của công ty về tính xác thực của sự kiện đó, giải pháp khắc phục (nếu có).
Thông tư số 52 cũng quy định về xử lý vi phạm về công bố thông tin
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về công bố thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2012



nghÞ quyÕt
®¹i héi ®ång cæ ®«ng ThƯ­êng niªn n¨m 2012
C«ng ty cæ phÇn SX-XNK THANH hµ

          §¹i héi ®ång Cæ ®«ng nhiÖm kú 2012  C«ng ty Cæ phÇn SX XNK Thanh Hµ ®­ưîc tiÕn hµnh ngµy 25/06/2012. Dù ®¹i héi cã 59 cæ ®«ng (cã mÆt vµ uû quyÒn) víi tæng sè cæ phiÕu biÓu quyÕt t¹i ®¹i héi lµ 80,54%.
          §¹i héi ®· nghe:
1.  B¸o c¸o tæng kÕt c«ng t¸c SXKD n¨m 2011 vµ ph­ư¬ng h­íng nhiÖm vô SXKD n¨m 2012
2.     B¸o c¸o cña Héi ®ång Qu¶n trÞ
3.     B¸o c¸o cña Ban kiÓm so¸t C«ng ty
Sau khi th¶o luËn, §¹i héi ®· thèng nhÊt NghÞ quyÕt:
      1. NhÊt trÝ th«ng qua c¸c b¸o c¸o tæng kÕt c«ng t¸c SXKD n¨m 2011 vµ ph­ư¬ng hư­íng nhiÖm vô SXKD n¨m 2012, B¸o c¸o cña Héi ®ång qu¶n trÞ vµ Ban kiÓm so¸t C«ng ty tr×nh t¹i ®¹i héi.
          a- C¸c chØ tiªu kÕ ho¹ch nhiÖm kú 2012 – 2016:
ChØ tiªu
N¨m 2012
N¨m 2013
N¨m 2014
Doanh sè
60 tû ®ång
64 tû ®ång
68 tû ®ång
Kim ng¹ch XNK
2,9 triÖu USD
3,1 triÖu USD
3,3 triÖu USD
Thu nhËp BQ
2,8–3 triÖu ®ång
3 – 3,2 triÖu ®ång
3,5 – 5 triÖu ®ång
Dù kiÕn cæ tøc


12%

          b- Ph­ư¬ng h­ưíng nhiÖm vô SXKD n¨m 2012:
          - TËp trung thu håi c«ng nî
          - Kªu gäi ®Çu t­ư tõ c¸c ®èi t¸c ngoµi c«ng ty
        - Duy tr× ho¹t ®éng SXKD ®Ó gi÷ kh¸ch hµng truyÒn thèng, t¹o c«ng ¨n viÖc lµm dÇn n©ng cao ®êi sèng CBCNV
          - N©ng cao hiÖu qu¶ KD, t¨ng lîi nhuËn, b¶o toµn vèn, tr¶ lîi tøc cho cæ ®«ng trong c¸c n¨m sau
2.  Th«ng qua söa ®æi ®iÒu lÖ c«ng ty:
Söa ®æi phÇn 1 ®iÒu 45: nhiÖm kú Ban kiÓm so¸t cò lµ 3 n¨m ®æi thµnh 5 n¨m, ®¹i héi biÓu quyÕt 100%.
3. BÇu bæ sung Ban kiÓm so¸t:
- NhÊt trÝ bÇu bæ sung §ång chÝ NguyÔn KiÒu Nhi vµo BKS ®¹t 78.24% tæng sè phiÕu bÇu.
- Theo ®Ò nghÞ cña Ban kiÓm so¸t phÇn kinh phÝ ho¹t ®éng cña BKS ®Ò nghÞ lµ 24 triÖu/n¨m. §¹i héi ®· biÓu quyÕt ®­ưîc 20,77% nhÊt trÝ vµ 79,33% kh«ng nhÊt trÝ.
         NghÞ quyÕt nµy ®· ®­ưîc §¹i héi ®ång Cæ ®«ng th­ưêng niªn C«ng ty Cæ phÇn SX XNK Thanh Hµ th«ng qua víi tû lÖ biÓu quyÕt 100% nhÊt trÝ.
          §¹i héi bÕ m¹c vµo håi : 11h ngµy 25  th¸ng 06 n¨m 2012

Ngun: haforexim.com.vn
Ghi chú: Các chữ được đánh dấu màu xanh là thông tin không chính xác.